41 năm sau ngày giải phóng: Trường lớp khang trang, hiện đại...

Thứ sáu, ngày 29/04/2016

(BDO)  “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”. Xác định quan điểm ấy, nhiều năm qua tỉnh luôn quan tâm, đầu tư cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Đến nay, cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp của tỉnh nhà ngày càng khang trang hơn, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) được đầu tư đúng mức. Chỉ tính trong giai đoạn 2010- 2015, toàn tỉnh có 197 trường đạt CQG, tỷ lệ 62,7%, hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra.


 Trường THCS Mỹ Phước (TX.Bến Cát) đã đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: A.SÁNG

Tích cực đầu tư xây dựng trường lớp

Đạt được chỉ tiêu như đã nêu trên là sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của tỉnh, các sở, ngành, nhất là đối với ngành GD-ĐT. Gọi đây là một kỳ công cũng không sai, bởi với đặc thù tỉnh hàng năm tăng hàng chục ngàn học sinh (HS), có lúc tưởng chừng phá vỡ chuẩn, nhưng nhờ chủ động thực hiện các biện pháp, tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Chủ trương của tỉnh là xây dựng CSVC trường học kiên cố và đồng bộ cả về xây lắp và thiết bị, bảo đảm sau khi xây dựng hoàn chỉnh từng trường phải đạt tiêu chuẩn quốc gia về CSVC trường học. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT nói, việc xây dựng trường CQG trở thành nghị quyết của đại hội Đảng bộ các cấp trong các nhiệm kỳ. Sở đã phân bổ các chỉ tiêu đối với các phòng GD-ĐT và các trường THPT, cố gắng đạt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho HS, đồng thời bảo đảm kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ngành cũng thực hiện tốt việc phối hợp với các sở, ngành bố trí nguồn vốn xây dựng trường chuẩn, đáp ứng nhu cầu dạy và học của HS địa phương. Theo ghi nhận của lãnh đạo Sở GD-ĐT, hầu hết các huyện, thị, thành phố đều có sự nỗ lực lớn trong việc đầu tư xây dựng trường lớp, thiết bị, quy hoạch đất, vận động các tổ chức, cá nhân hiến đất, nhường đất ưu tiên cho xây dựng trường học. Với những trường đã có CSVC khang trang thì tập trung đầu tư cho chất lượng; trường đã đạt chất lượng thì tập trung đầu tư CSVC, trang thiết bị để đạt chuẩn; trường mới xây dựng đã đạt yêu cầu về CSVC, trang thiết bị thì quan tâm đầu tư đội ngũ nâng cao chất lượng.

Hiện nay việc xây dựng trường CQG dựa trên 5 tiêu chí, trong đó tiêu chí xây dựng CSVC là khó nhất, do Bình Dương là tỉnh đang phát triển công nghiệp, thu hút lao động ngoài tỉnh rất nhiều, nhất là một số khu cụm công nghiệp ở TX.Thuận An, Dĩ An, một số nơi ở Tân Uyên, Bến Cát... quỹ đất ở những nơi này không còn nhiều, do đó tỉnh đã thực hiện chế độ quy đổi đất để xây dựng trường học. Hiện nay mỗi địa phương ở những nơi này có từ 2 - 3 trường ở các cấp học, cơ bản đã đáp ứng đủ chỗ học cho tất cả HS.

Quan tâm đội ngũ, nâng chất lượng giáo dục

Xây dựng trường đạt CQG, ngoài yêu cầu về CSVC thì chất lượng giáo dục cũng là tiêu chuẩn được đặt ra. Hàng năm, ngành đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Tính từ năm 2010 đến nay, có 5.686 cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý giáo dục, tin học, ngoại ngữ. Tận tâm, yêu nghề, mỗi nhà giáo cũng thể hiện tinh thần tự học, thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Đến nay, 99,82% nhà giáo, công chức, viên chức, cán bộ quản lý đạt trình độ chuẩn trở lên. Ngoài ra, phong trào thi đua giáo viên dạy giỏi hàng năm do ngành tổ chức cũng được giáo viên tích cực hưởng ứng. Qua đó có nhiều giáo viên đạt giáo viên giỏi các cấp, làm nòng cốt cho phong trào thi đua “dạy giỏi - học giỏi” trong toàn ngành.

Chất lượng đội ngũ được nâng lên, chất lượng dạy và học cũng ngày càng được cải thiện, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Từng trường học kết hợp nhiều biện pháp khác nhau nhằm giảm tỷ lệ HS bỏ học, HS lưu ban, yếu kém. Phong trào “xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” cũng góp phần đáng kể cho việc nâng cao chất lượng ở các cấp học, bậc học.

Tiếp nối những thành công trong thời gian qua, giai đoạn 2016-2020, ngành GD-ĐT phấn đấu xây dựng trường CQG đạt tỷ lệ 70 - 75% vào năm 2020. Giữ vững phổ cập mầm non 5 tuổi, chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và đạt phổ cập trung học theo chuẩn của Bộ GD-ĐT. Tập trung phát triển phẩm chất, năng lực, kiến thức, kỹ năng sống cho HS, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho HS cấp THCS và THPT.

 Bà NGUYỄN HỒNG SÁNG, Giám đốc Sở GD-ĐT:

41 năm sau ngày giải phóng, CSVC trường lớp trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp các địa bàn tỉnh, từ thị xã, thị tứ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Các phương tiện phục vụ cho việc dạy và học được trang bị đầy đủ, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu dạy - học của từng địa phương và theo hướng đạt CQG, đồng thời bảo đảm kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

 A.SÁNG