40 năm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh hình thành và phát triển (1975-2015)
(BDO) Ngày 30-4-1975, trong không khí vui mừng phấn khởi với sự kiện thống nhất đất nước sau 20 năm chiến tranh, ngành y tế tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ dẫu vui mừng nhưng vẫn không quên nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Khi đã ổn định nhân sự của Ty Y tế, bệnh viện, lãnh đạo ngành y tế bắt đầu thành lập các trạm chuyên khoa tuyến tỉnh để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trong giai đoạn 1975-1985, dịch bệnh chủ yếu là dịch tả, dịch hạch, thương hàn, bệnh đường ruột, bại liệt trẻ em, thủy đậu... Trạm đã áp dụng các biện pháp phun DDT diệt bọ chét, ruồi muỗi, diệt chuột bằng các biện pháp hóa học và dân gian; quản lý chặt chẽ các ổ dịch cũ và tiến hành tiêm chủng 7 loại sinh hóa, tổ chức tiêm phòng vào tận các thôn xóm, ấp, trường học, cơ quan công nông lâm trường xí nghiệp: tả + TAB, dịch hạch, đậu mùa, bại liệt, bạch hầu + ho gà + uốn ván, BCG sơ sinh.
Bước sang thời kỳ đổi mới, qua thực tiễn 10 năm hình thành và hoạt động, ngành y tế nhìn nhận tổ chức bộ máy một số cơ sở y tế chưa thật hợp lý trong triển khai hoạt động đồng bộ để đạt kết quả tốt, lãnh đạo ngành đã có ý tưởng cải cách từ trước năm 1986. Đầu tiên sáp nhập 2 trạm Vệ sinh phòng dịch và Trạm sốt rét (thành lập năm 1976) lại thành một trạm duy nhất với tên gọi là Trạm Vệ sinh phòng dịch - Sốt rét tỉnh Sông Bé và tiếp tục thực hiện đạt tốt các chỉ tiêu được giao hàng năm. Tháng 3-1992, lại sáp nhập 2 Trạm vệ sinh phòng dịch sốt rét và Trạm Kiểm nghiệm dược phẩm thành Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sông Bé…
Năm 1997 tách tỉnh Sông Bé thành tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước, trung tâm đổi tên thành Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Bình Dương. Từ đó, TTYTDP phải có sự chuyển biến tổng thể để đáp ứng với mô hình bệnh tật mới trong cộng đồng và với tình hình thực tế nhiễm HIV của địa phương, trung tâm đổi tên thành TTYTDP và Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương theo chỉ đạo của Bộ Y tế…
Hiện nay, trung tâm là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 483/QĐ-SYT ngày 20-9-2010 của Sở Y tế tỉnh Bình Dương về việc ban hành “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTYTDP tỉnh Bình Dương”. Bằng các chương trình hành động cụ thể được triển khai tại đơn vị và rộng khắp mạng lưới y tế dự phòng các tuyến, trung tâm đã đạt nhiều thành tựu đáng kể: tỷ lệ người dân tự nguyện tham gia vào tiêm chủng mở rộng hàng năm luôn đạt trên 95%; các bệnh dịch truyền thống như dịch tả, dịch hạch, thương hàn, sốt rét... đã giảm đáng kể, chỉ xuất hiện các ca bệnh tản phát lẻ tẻ do người dân tỉnh khác mang vào. Từ sau năm 2001 đến nay không có trường hợp nào mắc bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh. Trẻ từ 6 - 36 tháng và bà mẹ sau sinh uống vitamin A đạt trên 98%, góp phần giảm đáng kể trẻ bị mù lòa do thiếu vitamin A. Năm 2012, TTYTDP là một trong số ít tỉnh, thành phố cả nước đạt tiêu chuẩn quốc gia y tế dự phòng tuyến tỉnh. Với sự cống hiến to lớn của TTYTDP cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, tập thể công chức, viên chức, lao động của trung tâm đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng II vào năm 2014.
Kết quả đạt được của TTYTDP tỉnh Bình Dương trong suốt 40 năm qua đã góp phần giảm gánh nặng bệnh tật cho trẻ em, cho hệ điều trị và đã khẳng định vai trò vị trí không thể thay đổi mà còn phát triển cao hơn nữa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
BS.BẠCH TUYẾT
(Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh)