40 năm cùng đất nước đổi mới

Thứ hai, ngày 23/09/2024

(BDO) Năm 1986, đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hóa gắn với mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài và chú trọng xuất khẩu. Nhờ vậy, đất nước đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình. Trong tiến trình đổi mới của đất nước, Bình Dương đã trở thành địa phương tiên phong với những lựa chọn và cách làm đúng đắn để trở thành một trong những tỉnh, thành thành công nhất về mở cửa, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

“Quả ngọt” từ lựa chọn đúng đắn

Kế thừa, phát huy những nền tảng ban đầu của tỉnh Sông Bé, đồng thời khai thác triệt để các lợi thế, khắc phục những khó khăn, thách thức, sau gần 40 năm cùng đất nước thực hiện chủ trương đổi mới đất nước và nhất là 27 năm xây dựng phát triển, Bình Dương đã đạt được những thành tựu khá toàn diện và nổi bật; vươn lên trở thành một trong những địa phương năng động, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; một trong những cực tăng trưởng, trung tâm đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo của vùng Đông Nam bộ, vùng động lực trong tứ giác phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, một mô hình kiểu mẫu về phát triển công nghiệp tại Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Thành tựu về phát triển của Bình Dương trong thời gian qua là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố mang tính quyết định, đó là việc lựa chọn xác định mục tiêu phát triển qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Nếu như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (1997) xác định phát triển công nghiệp là trọng tâm, được thực hiện thông qua sự chuyển đổi nhanh chóng từ thu hút đầu tư đại trà, phát triển công nghiệp nói chung thì đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (2001) và VIII (2005), tỉnh xác định chuyển sang thu hút đầu tư có chọn lọc, khuyến khích, ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, chất lượng.

Đặc biệt, đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (2010), tỉnh xác định bước ngoặt quan trọng có tính chiến lược, đó là cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh. Ở các kỳ đại hội tiếp theo (Đại hội X và XI), tỉnh xác định nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý; tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã nỗ lực không ngừng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”.

Hình mẫu về sự bứt phá

Không phải ngẫu nhiên mà Bình Dương được coi là nơi “đất lành chim đậu”, là điểm đến của các DN trong và ngoài nước, nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược; là mảnh đất có sức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ đối với nguồn nhân lực có kỹ năng, có tinh thần đổi mới sáng tạo với khát vọng khởi nghiệp, làm giàu và cả những người lao động cần cù, chịu khó với mong muốn nâng cao thu nhập, thoát nghèo...

Nhằm phục vụ cho việc tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, góp phần xây dựng lý luận về đường lối đổi mới; tổng kết mô hình, đánh giá kết quả phát triển đạt được, trên cơ sở đó rút ra các bài học kinh nghiệm, xác định tầm nhìn, mục tiêu, mô hình và những định hướng phát triển cho tỉnh Bình Dương đến giữa thế kỷ, Hội đồng Lý luận Trung ương đã phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương thực hiện đề án nghiên cứu “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050”…

Tất cả bắt nguồn từ những quyết sách mang tính đột phá của tỉnh, đó là phát triển đồng bộ hạ tầng, không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Xác định công nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế, từ rất sớm, Bình Dương đã chủ động kiến nghị với Trung ương cho phép địa phương được thực hiện mô hình khu công nghiệp (KCN) nhằm thu hút được cả DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN có vốn trong nước, sản xuất hàng cho cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Để phát triển các KCN, tỉnh đã chú trọng đa dạng hóa sở hữu các KCN, cùng với các KCN được Nhà nước thành lập và quản lý từ nguồn vốn liên doanh với nước ngoài, nguồn vốn của DN Nhà nước, đã hình thành và phát triển các KCN dựa trên nguồn vốn tư nhân. Các KCN ở Bình Dương có sự phát triển từ thế hệ các KCN truyền thống từng bước chuyển sang phát triển các KCN thế hệ mới như KCN kết hợp đô thị, dịch vụ; Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị (Khu liên hợp, KCN xanh kiểu mẫu, hướng đến KCN khoa học và công nghệ).

Cùng với đó, Bình Dương đã từng bước chú trọng thực hiện đô thị hóa, phát triển theo hướng đô thị thông minh. Sự hình thành, phát triển các KCN đã tạo thuận lợi mới để biến phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư trở thành đòn bẩy để củng cố và phát triển toàn diện về đô thị, kinh tế đô thị và đời sống văn hóa - xã hội cho người dân. Đây chính là sự khác biệt, là nguyên nhân giúp Bình Dương có thể phát triển công nghiệp trên diện rộng toàn tỉnh, cũng đã như lan tỏa mô hình ra các tỉnh, thành trong cả nước.

Nhìn lại 40 năm đổi mới, Bình Dương thật sự đã trở thành một hình mẫu về sự bứt phá phát triển, điểm sáng trong cách thức phát huy lợi thế vị trí của một tỉnh bên cạnh một đô thị lớn; trong huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.

Nỗ lực vượt bậc để vươn lên của Bình Dương là động lực và là nguồn cảm hứng to lớn, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng phát triển không chỉ trong mỗi người dân Bình Dương mà cho nhân dân cả nước về tư duy đột phá, mô hình độc đáo và cách làm sáng tạo của tỉnh trong tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. 

TRÍ DŨNG