3 “tử huyệt” đe dọa “giấc mơ vàng” AFF Cup 2012!

Thứ ba, ngày 30/10/2012

Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) đã cho thấy sự tiến bộ nhất định trong trận hòa 1-1 với đội mạnh nhất giải là U23 Hàn Quốc ở ngày bế mạc VFF Cup 2012. Tuy nhiên, điều đó vẫn không che lấp hết những bất cập, hạn chế còn đang “nương náu” trong đoàn quân của HLV Phan Thanh Hùng, cần phải cải thiện triệt để nếu muốn bước lên bục cao nhất ở giải đấu quan trọng nhất trong năm là AFF Suzuki Cup 2012 diễn ra vào giữa tháng 11 tới…

 ĐTVN (áo sậm) vẫn còn rất nhiều việc phải làm sau VFF Cup Tiến bộ lớn nhất của ĐTVN ở giải đấu này chính là khâu thể lực. Thể hiện rõ nhất cho nhận định này là cuối hiệp 2 trận đấu với đội bóng xứ củ sâm vốn nổi tiếng là cực khỏe, nhưng các học trò HLV Phan Thanh Hùng vẫn chạy băng băng, trong khi các cầu thủ xứ U23 Hàn Quốc có dấu hiệu “đuối”, thậm chí có cầu thủ còn bị chuột rút. Ngoài ra, ở trận đấu với Turkmenistan, các cầu thủ ĐTVN vẫn duy trì mức độ tấn công mãnh liệt với tốc độ cao cho đến tận những phút cuối nhờ vào nguồn thể lực dồi dào. Sở dĩ nền tảng thể lực của ĐTVN được cải thiện vượt bậc như vậy là nhờ vào chuyên gia thể lực Dylan Kerr (cựu cầu thủ CLB Leed United) mà cụ thể là chuyến tập huấn dài ngày ở các bãi biển tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Thể lực là yếu tố quan trọng, có thể nói sẽ là chìa khóa giúp ĐTVN mở cửa khung thành đối phương ở cuối trận sau những thời điểm bế tắc trước đó. Tuy nhiên, nếu ĐTVN chỉ mạnh về thể lực không thôi thì vẫn chưa đủ. Bởi, nếu chỉ có thế thì ĐTVN đâu có gì khác biệt nếu so với những “chiếc máy ủi” như Myanmar, Indonesia hay Philippines! Thế mạnh cũng là vũ khí mà các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á ngán ngại nhất mỗi khi đối đầu với ĐTVN chính là sự khéo léo, thông minh, quả cảm trong từng pha bóng tấn công và phòng ngự. Điều đáng lo là những vũ khí truyền thống của ĐTVN vẫn chưa được thể hiện một cách đầy đủ và rõ nét tại VFF Cup 2012. Trong trận thắng đậm Lào 4-0, sự khéo léo và thông minh trong lối chơi đã thể hiện được tương đối rõ, nhưng đẳng cấp của đội bóng xứ Triệu voi còn dưới một bậc so với ĐTVN nên cũng chưa thể nói lên được điều gì.

Cái mà người hâm mộ chờ đợi nhất là trong những trận đối đầu với những đối thủ có trình độ nhỉnh hơn (U23 Hàn Quốc), hoặc ngang tài cân sức (Turkmenistan) thì ĐTVN cần phải bộc lộ những thế mạnh của mình. ĐTVN không được cuốn vào lối chơi của đối phương; hạn chế tối đa những sai sót ở hàng phòng ngự, đồng thời phải cải thiện tính hiệu quả của những pha dứt điểm. Nhưng, đáng tiếc là ĐTVN vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu này. Trong trận thua 0-1 trước Turkmenistan, ĐTVN cứ loay hoay mãi mà không thể xuyên thủng hàng phòng ngự của đội bạn vốn chẳng mấy chắc chắn. Nếu theo dõi cách tuyển Lào xé nát hàng phòng ngự Turkmenistan bằng những đường chuyền tinh tế, khéo léo (tạo ra 5 cơ hội mười mươi, nhưng chỉ ghi được 2 bàn) thì ĐTVN sẽ hiểu rằng họ chỉ mới chơi băm bổ, ngang ngửa đối phương về sức chứ chưa biết tận dụng tối đa thế mạnh - vũ khí của mình.

Vấn đề thứ hai mà ĐTVN cần phải tập trung cải thiện là sự vững chắc của hàng phòng ngự. Cả 3 thủ môn của ĐTVN đều chưa thể mang lại sự an tâm, trong đó 2 cầu thủ dày dạn kinh nghiệm nhất là Hồng Sơn, Tấn Trường lại mắc những lỗi sơ đẳng nhất. Sự bọc lót kém, phối hợp thiếu ăn ý của hàng phòng ngự là nguyên nhân dẫn đến 2 bàn thua của ĐTVN trong 2 trận đấu với Turkmenistan và U23 Hàn Quốc. Vấn đế thứ 3 - khâu dứt điểm thiếu hiệu quả - đúng là hạn chế muôn thuở của bóng đá Việt Nam. Trong trận đấu với U23 Hàn Quốc, ĐTVN tung ra 18 cú sút nhưng chỉ có một lần thành công từ pha… đá phạt hàng rào của Văn Quyết. Ở trận đấu với Turkmenistan, cơ hội ghi bàn không phải là ít, nhưng các chân sút xử lý rất nghiệp dư, thua xa các đồng nghiệp ở tuyển Lào.

Cho dù sắp tới trung vệ Minh Đức, tiền vệ Tấn Tài và tiền đạo Công Vinh trở lại sau chấn thương thì những hạn chế trên cũng khó lòng chấm dứt. Theo chúng tôi, nếu 3 hạn chế này không được cải thiện triệt để thì ĐTVN đừng mong lên ngôi ở AFF Suzuki Cup 2012! Có lẽ, HLV Phan Thanh Hùng cần phải dang rộng tay và cánh cửa để đón những tài năng còn chưa được trọng dụng như Tăng Tuấn, Anh Đức (B.BD) kể cả những nhân tố “nhập tịch” như Huỳnh Kesley Alves hay Rogerio Nguyễn!

CHÍ THANH