3 nhà khoa học chia nhau giải Nobel Y học
3 nhà khoa học từng có các phát hiện về hệ thống miễn dịch giúp mở đường cho những phương pháp mới trong việc phòng và điều trị các căn bệnh nhiễm trùng, ung thư và viêm nhiễm đã giành giải thưởng Nobel Y học, giải thưởng đầu tiên trong mùa giải Nobel 2011.
Nhà khoa học Ralph Steinman, một trong ba chủ nhân của giải Nobel Y học 2011.
Bruce Beutler, người Mỹ, và nhà khoa học người Pháp Jules Hoffmann đã chi nhau giải thưởng trị giá 1,5 triệu USD với nhà khoa học sinh tại Canada Ralph Steinman, Uỷ ban Nobel tại Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển cho biết.
Hai ông Beutler và Hoffmann được khen ngợi “vì những phát hiện của họ liên quan tới hoạt động của miễn dịch bẩm sinh”.
Ông Steinman, 70 tuổi, được tôn vinh nhờ “phát hiện về tế bào hình cây và vai trò của nó trong miễn dịch thích ứng”.
“Các phát hiện của họ đã mở ra những con đường mới cho sự phát triển việc phòng và điều trị các bệnh nhiễm trùng, ung thư và viêm nhiễm”, Uỷ ban Nobel cho hay.
Hai nhà khoa học Beutler và Hoffman đã phát hiện ra các protein thụ quan có thể nhận ra các vi khuẩn và các vi sinh vật khi chúng đi vào cơ thể con người, và kích hoạt tuyến phòng thủ đầu tiên trong hệ thống miễn dịch.
Ông Steinman đã phát hiện ra các tế bào hình cây trong hệ thống miễn dịch, giúp điều chỉnh giai đoạn tiếp theo trong phản ứng của hệ miễn dịch, khi các vi sinh vật xâm nhập được thanh lọc khỏi cơ thể.
Các phát hiện của 3 nhà khoa học đã cho phép phát triển các phương pháp mới nhằm điều trị và phòng ngừa các căn bệnh, trong đó có việc cải tiến vắc-xin và trong các nỗ lực nhằm giúp hệ thống miễn dịch chống lại các khối u, Uỷ ban Nobel nói.
Nobel Y học là giải Nobel đầu tiên được công bố trong mùa giải Nobel năm nay, tiếp sau sẽ là các giải Nobel Vật Lý, Hoá học, Văn học, Hoà bình và Kinh tế.
Buổi lễ trao giải dành cho những người chiến thắng dự kiến kiến ra vào ngày 10/12 tới, đúng ngày mất của người sáng lập giải thưởng Nobel, ông Alfred Nobel, năm 1896.
Năm ngoái, giải Nobel Y học đã thuộc về giáo sư người Anh Robert Edwards nhờ nghiên cứu dẫn đến sự ra đời của đứa trẻ đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo Dân Trí