“3 không” để có đôi tai khỏe mạnh

Thứ sáu, ngày 08/03/2024

(BDO)  Kể từ năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn ngày 3-3 hàng năm là Ngày Thính giác thế giới. Năm 2024 với chủ đề “Thay đổi tư duy: Hãy biến việc chăm sóc tai và thính giác trở thành hiện thực cho tất cả mọi người!”, Ngày Thính giác thế giới hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về việc phòng bệnh điếc và giảm thính lực, đồng thời nâng cao việc chăm sóc tai và thính giác trên khắp thế giới.

 

Bác sĩ khám tai cho trẻ

 Theo WHO, trên toàn cầu hiện có hơn 80% nhu cầu chăm sóc tai và thính giác vẫn chưa được đáp ứng. Việc thay đổi tư duy liên quan đến chăm sóc tai và thính giác là rất quan trọng để cải thiện khả năng tiếp cận và giảm thiểu chi phí cho tình trạng bệnh nhân mất thính lực mà không được giải quyết. Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Dân số thì trung bình mỗi năm có khoảng 1,4-1,5 triệu trẻ ra đời, trong đó tỷ lệ trẻ khiếm thính vĩnh viễn chiếm 0,3-0,5%, mỗi năm sẽ có thêm trung bình 5.000 trẻ khiếm thính. Tuy nhiên, số trẻ được phát hiện và can thiệp chỉ khoảng 10%. Việc phát hiện muộn sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát âm, giao tiếp so với bạn bè đồng trang lứa của bé. Ngoài điếc bẩm sinh do di truyền, hàng năm còn nhiều trẻ bị khiếm thính sau sinh do bị bệnh như: Viêm tai giữa không được điều trị, do chấn thương, ngộ độc thuốc do dùng sai thuốc, do bệnh lý siêu vi trùng, do chấn thương, thậm chí có thể điếc mà không rõ nguyên nhân…

Để có đôi tai khỏe mạnh, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân thực hiện “3 không”: Không nên xem nhẹ việc bị ù tai; bị ù tai có thể là biểu hiện ban đầu của mất thính lực, bệnh tai giữa; nếu tình trạng ù tai diễn ra liên tục, hãy đến các cơ sở y tế kiểm tra ngay lập tức. Không sử dụng bông ngoáy tai vì sẽ vô tình mang vi trùng vào trong tai, đẩy một số ráy tai vào sâu hơn bên trong, làm tổn thương tai. Không nghe nhạc quá lớn, nhất là bằng tai nghe, rất nguy hại cho đôi tai, dẫn đến giảm thính lực và có nguy cơ điếc. Người dân nên nút lỗ tai khi đi bơi, nếu để nước hồ bơi tràn vào trong tai nhiều, bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng, dẫn đến viêm tai. Đặc biệt, người dân nên thận trọng khi dùng một số loại thuốc kháng sinh, giảm đau... vì có thể gây hại cho thần kinh tai, tiền đình, dẫn đến mất thính lực tạm thời.

 K.HÀ