200 ngày đêm lịch sử ở Cà Mau – Hình mẫu đầu tiên của chính quyền cách mạng

Chủ nhật, ngày 17/11/2024

(BDO) Với chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào tạm thời do quân đội Pháp và chính quyền tay sai quản lý, tiến tới cuộc tổng tuyển cử được ấn định vào năm 1956 để thống nhất đất nước. Ðây cũng là hoàn cảnh mà lực lượng kháng chiến cách mạng ở miền Nam phải tập kết ra Bắc.

Cửa sông Ông Ðốc (nay là thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) là bến tập kết lớn của cán bộ, chiến sĩ, con em miền Nam để xuống tàu ra Bắc. Trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau (năm 2004), đồng chí Võ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau thời điểm đó, đánh giá: “200 ngày, tuy ngắn ngủi nhưng đó là khoảng thời gian vô cùng quý giá đối với Ðảng bộ, quân và dân Cà Mau, thời gian mà Nhân dân được sống những ngày thực sự tự do, hạnh phúc trong không khí hoà bình, vui tươi, phấn khởi sau 9 năm trường kỳ kháng chiến”.

Công trình Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 của tỉnh Cà Mau

Trong 200 ngày tập kết, Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau đảm nhận trọng trách bộn bề nhưng cũng hết sức vẻ vang để hoàn thành nhiệm vụ của Ðảng, của Bác Hồ và Trung ương Cục miền Nam tin cậy giao phó. Ðể phát huy thắng lợi, thể hiện khí thế cách mạng, ngày 26-8-1954, gần 2 vạn đồng bào từ khắp nơi đổ về thị trấn Cà Mau trương băng cờ, đội ngũ chỉnh tề tuần hành tràn ngập các tuyến đường hướng về sân vận động dự mít tinh chiến thắng.

Ngày 27-10-2024 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại thành phố Sầm Sơn. Dịp này, tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức lễ khánh thành cụm tượng đài con tàu tập kết và bức phù điêu hình cánh cung, sau hai năm khởi công xây dựng.

Trong 200 ngày, Cà Mau vừa tiếp quản khu vực tập kết mà đối phương bàn giao, đồng thời tổ chức tiếp đón chu đáo các lực lượng tập kết và thân quyến đưa tiễn; tập trung xây dựng lực lượng cách mạng tại chỗ chuẩn bị cho lâu dài, khẩn trương xây dựng vùng giải phóng cũ thành căn cứ cách mạng, bồi dưỡng sức dân, củng cố hậu phương vững chắc; và đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng vùng tập kết thành hình mẫu về chính quyền cách mạng.

Chỉ trong 200 ngày, ta đã cấp trên 12.000 ha đất cho nông dân; xây dựng thêm 20 trường học, trên 75% dân được xoá mù chữ; những người bệnh tật được chữa trị, phát thuốc; người đói nghèo được cấp phát lương thực, thực phẩm... Nhân dân được tự do đi lại, mở mang việc làm ăn, buôn bán; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao nở rộ, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào. Ðồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) khi ấy, đã hào sảng nhận định: “Người ta gọi vàm sông Ông Ðốc là Thủ đô của Nam bộ, nhộn nhịp lắm, đông vui lắm”. Còn cố Tổng bí thư Lê Duẩn thì dự đoán sắc bén: “Mảnh đất mà chính quyền cách mạng giao cho hôm nay là lá bùa hộ mệnh cho cách mạng miền Nam sau này”.

Các đại biểu thực hiện lễ khánh thành công trình Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 của tỉnh Cà Mau

Trong chuyến tàu cuối mang tên Kilinski ấy, mọi người đều thấy đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ Nam bộ có mặt, nhưng đó chỉ để đánh lạc hướng quân thù. Ðồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu, được trao nhiệm vụ bí mật, đón “anh Ba” ở lại với đồng bào, với cách mạng miền Nam. Ngay sau đó, tại Cà Mau, đồng chí Lê Duẩn đã chấp bút soạn thảo những dòng đầu tiên “Bản Ðề cương cách mạng miền Nam”, là tiền đề để Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết 15 xác định rõ con đường tiến lên của cách mạng miền Nam.

Ngày 6-9-1954, Bộ Chính trị ra chỉ thị về tình hình cách mạng miền Nam gửi cho các cấp bộ Đảng, quyết định: “Cục Trung ương miền Nam, thành lập Xứ ủy Nam bộ và các Khu ủy”, Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, tháng 10-1954, tại căn cứ Chác Băng trong rừng U Minh, đồng chí Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chủ trì Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam bộ. Hội nghị kéo dài hơn một tháng và đây cũng là hội nghị kết thúc hoạt động Trung ương Cục, tiễn các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Phạm Văn Kinh được phân công tập kết ra Bắc. Hội nghị đã bầu đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy; Phạm Hữu Lầu làm Phó Bí thư; Hoàng Dư Khương làm Thường trực Xứ ủy. 

Ở miền Nam, tỉnh Cà Mau cũng đã hoàn thành cụm tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 tại thị trấn Sông Đốc. Các tỉnh thành khác như: Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định cũng đang triển khai… Đây là những công trình có ý nghĩa lịch sử nhân văn sâu sắc, là địa chỉ đó để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam​.

Từ sau hội nghị này, hệ thống tổ chức Đảng ở Nam bộ rút vào bí mật. Đề cương cách mạng miền Nam ra đời đúng thời điểm đã góp phần hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo với niềm tin chiến thắng rất lớn. Từ nội dung của bản đề cương, các đảng bộ địa phương lúc đó tập trung vào ba việc: có biện pháp đối phó với bọn ngoan cố, tổ chức vũ trang tự vệ và xây dựng căn cứ địa vững chắc.

Đề cương Cách mạng miền Nam được đồng chí Lê Duẩn khởi thảo từ căn cứ địa ở Cà Mau và tiếp tục hoàn thành ở giữa lòng thành phố Sài Gòn.

Sau hiệp định Geneve 1954-1959, bà Nguyễn Thị Một được phân công làm Trưởng Ban phụ vận Xứ ủy Nam bộ rồi Chánh văn phòng Xứ ủy Nam bộ, sau đó là Trưởng ban Cảnh sát vận Xứ ủy Nam bộ. Trong khoảng thời gian gần 2 năm (1955-1956), với cương vị là Bí thư Chi bộ, Chánh văn phòng Xứ ủy, bà đã cùng với những đồng đội của mình mưu trí, dũng cảm bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng ở Nam bộ được an toàn, ngày đêm chăm lo và đảm bảo an toàn cho đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy hoàn thành dự thảo Đề cương Đường lối cách mạng miền Nam.

Trong bản đề cương với 24 trang viết tay, đồng chí Lê Duẩn xác định “Chính quyền miền Nam hiện nay không chỉ là chính quyền do bọn thực dân cũ và phong kiến bị bại trận để lại, mà còn là chính quyền do bọn thực dân mới, của tên đế quốc đầu sỏ rất hiếu chiến đang có mưu đồ xâm lược nước ta là đế quốc Mỹ”. Căn cứ vào tình hình thực tế và những khó khăn mà quân và dân ta đang nếm trải, đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: “ Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài, phát xít Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc, phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân”.

Bản đề cương cách mạng miền Nam đã được Đảng ta đánh giá là cơ sở của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 – Hội nghị lịch sử do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp tại Thủ Đô Hà Nội từ tháng 1-1959, xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, vạch rõ mục tiêu và phương pháp cách mạng.

Đề cương nêu rõ: Ngày 20-07-1956 đã không có tổng tuyển cử như Hiệp định Geneve quy định. Nhân dân ta ở miền Nam đang rên xiết dưới ách áp bức, bóc lột, tù đày, chém giết man rợ, đất nước bị chia cắt và bị chiến tranh của Mỹ - Diệm hăm dọa. Tình hình đó buộc nhân dân phải vùng dậy đập tan chế độ Mỹ - Diệm để tự cứu mình. 

Đề cương nêu rõ 3 nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn đó. Ba nhiệm vụ đó là: củng cố thật vững chắc miền Bắc; đẩy mạnh đấu tranh cách mạng ở miền Nam; tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ trên thế giới.

Trên cơ sở phân tích sâu sắc 3 nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước, đồng chí Lê Duẩn đã đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của cách mạng miền Nam: “Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài, phát xít Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc, phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân”.

Với sự kiện tập kết ra Bắc, tỉnh Cà Mau đã có những dấu ấn đặc biệt, đó là: sự kiện 200 ngày đêm ghi dấu ấn không thể nào quên, thành lập Cục trung ương miền Nam, xứ ủy Nam bộ và các khu ủy vào tháng 10-1954. Đồng chí Lê Duẩn viết bản thảo Đề cương cách mạng miền Nam, tiền đề cho Nghị quyết 15 sau này.

Với các hoạt động có ý nghĩa rất sâu sắc này, tỉnh Cà Mau nên xây dựng một khu bảo tồn nhầm ghi lại dấu ấn, hình mẫu đầu tiên của chính quyền cách mạng.

Cũng chính nơi đây sẽ là di tích lịch sử, là khu di tích đón du khách trên mọi miền đất nước và cả du khách nước ngoài, làm được điều đó, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cùng đi vào lòng mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình