200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu: Đạo sáng mãi giữa đời
(BDO)
Chương trình nghệ thuật chào mừng buổi lễ.
Tối 30/6, lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822-1/7/2022), 30 năm ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 đồng thời phát sóng trên các trang mạng xã hội, phục vụ khán giả nước ngoài và các đại biểu của UNESCO trên khắp thế giới.
Tôn vinh danh nhân UNESCO
Khai mạc buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Ngọc Tam đã ôn lại đôi nét cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
“Tinh thần yêu nước, ý chí vượt khó vươn lên, vượt qua bao gian khổ hy sinh của cụ Nguyễn Đình Chiểu đã truyền cảm hứng cho cuộc Đồng Khởi thần kỳ năm 1960, góp phần hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên,” ông Trần Ngọc Tam phát biểu.
Sự kiện Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh danh nhân và cùng tổ chức kỷ niệm 200 ngày sinh của ông là niềm tự hào cho đất nước Việt Nam nói chung, là vinh dự lớn cho tỉnh Bến Tre nói riêng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre khẳng định: “Sức ảnh hưởng, cốt cách, giá trị những tác phẩm của cụ Đồ Chiểu đã vươn tầm thế giới, được cả nhân loại tìm hiểu, nghiên cứu. Văn đàn thế giới sẽ ghi thêm tên một danh nhân của Việt Nam là Nguyễn Đình Chiểu bằng tất cả sự trọng thị và mến mộ".
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định rằng tỉnh Bến Tre là vùng quê gắn bó với Nguyễn Đình Chiểu. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã thực hiện nhiều công việc có ý nghĩa sâu sắc nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà Nguyễn Đình Chiểu để lại cho thế hệ hiện tại và mai sau.
“Hôm nay, về lại quê hương Bến Tre của cụ Đồ Chiểu, quê hương Đồng Khởi anh hùng, chúng ta vui mừng nhận thấy sự đổi thay, phát triển vượt bật về kinh tế, xã hội. Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của cụ đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại,” Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành trung ương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu; tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của cụ Đồ đến công chúng trong và ngoài nước.
Chủ tịch nước cũng gợi ý rằng tỉnh cần chú trọng ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin vào nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, thực hiện số hóa di sản liên quan đến con người và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Tại lễ kỷ niệm, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart trao Nghị quyết của UNESCO tôn vinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Ông Christian Manhart cho biết: “Những triết lý về hòa bình, về tình yêu của con người cũng như về lòng khoan dung hoàn toàn phù hợp với triết lý và mục tiêu của UNESCO. Hơn nữa, ông cũng là một nhà giáo xuất sắc, đã cống hiến cả cuộc đời mình để lan tỏa kiến thức và đây cũng chính là một sứ mệnh của UNESCO: Sứ mệnh giáo dục.”
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một nguồn cảm hứng không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn với cả nhân loại, bởi ông còn là một thầy thuốc vĩ đại, là niềm hy vọng cho những người khuyết tật khi đã đạt được những thành công ngay cả khi bị mù.
Đa dạng ngôn ngữ nghệ thuật
Lễ kỷ niệm diễn ra với chương trình nghệ thuật “Đạo sáng mãi giữa đời” (kịch bản và đạo diễn: Lê Quý Dương).
Chương trình kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống và di sản văn hóa của Nam Bộ với những sáng tạo hiện đại mới của các nghệ sỹ trong nước và quốc tế. Khán giả như được tham gia vào một hành trình theo bước chân cụ Đồ Chiểu năm xưa từ quê nội xứ Huế tới Sài Gòn Gia Định rồi Long An và cuối cùng về với quê hương Ba Tri, Bến Tre.
Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Trong thời lượng hạn chế chỉ với 45 phút, tôi mong muốn tạo dựng nên chân dung Nguyễn Đình Chiểu vừa đồ sộ với tầm vóc của nhân cách và tư tưởng mang tính nhân loại, vừa mộc mạc gần gũi với đất nước và nhân dân như một người con hiếu thảo, người thầy giáo tận tụy, người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân, người chí sĩ một đời khát khao độc lập, tự do và hòa bình cho dân tộc.”
Một sáng tạo thú vị của chương trình tôn vinh là bộ sưu tập áo dài Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga của nhà thiết kế trẻ Yến Nhi. Sáng tác của cô lấy cảm hứng từ những bức tranh trong cuốn truyện “Lục Vân Tiên” mà Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) xuất bản.
Lần đầu tiên, câu chuyện về Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga được kể bằng ngôn ngữ thời trang thông qua tà áo dài truyền thống.
Nhà thiết kế Yến Nhi cho hay tác phẩm “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu là tác phẩm được nhân dân Nam bộ yêu thích, truyền tụng rộng rãi nhất, còn trong phạm vi cả nước thì đó là truyện thơ lớn thứ hai sau Truyện Kiều.
“Nguyễn Đình Chiểu đã để lại một di sản lớn là tác phẩm ‘Lục Vân Tiên’ đề cao tình nghĩa ở đời: Tình cha con, tình vợ chồng, tình bạn bè, tình thầy trò; tinh thần nghĩa hiệp, đó là tinh thần xả thân giúp cộng đồng mà xã hội nước ta hiện nay, cũng như UNESCO đang đề cao... Đây là nguồn cảm hứng và cũng là tinh thần mà tôi muốn hướng tới ở bộ sưu tập này. Hy vọng qua tà áo dài, tôi có thể tái hiện lại hình ảnh các nhân vật nổi tiếng đó một cách sống động, ấn tượng và gần gũi hơn với các khán giả,” nhà thiết kế Yến Nhi nói./
Theo TTXVN