19 năm đổi thay không ngừng
19 năm kể từ ngày tái lập huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Giáo đã nỗ lực tạo nên sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất này. Phú Giáo giờ đây không chỉ có những lô cao su trải dài mà còn có những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những trang trại quy mô lớn, những cụm công nghiệp được quy hoạch bài bản sẵn sàng đón nhà đầu tư…
(BDO)
Huyện Phú Giáo đang đổi thay nhanh chóng, dần trở thành một đô thị xanh, sạch, đẹp. Trong ảnh: Một góc đô thị Phú Giáo. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Phát triển toàn diện
Trong những ngày đầu tái lập huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Giáo đối mặt với vô vàn khó khăn: Kinh tế phát triển chậm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội lạc hậu, thu ngân sách mới được 29,9 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người thấp, chỉ đạt 3,7 triệu đồng/năm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thiếu thốn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao… Trong hoàn cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Giáo đã chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực xây dựng. Vùng đất một thời bom cày, đạn xới giờ đây hiện ra với những ấn tượng mạnh mẽ của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng đang từng ngày khởi sắc với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.
19 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Phú Giáo hàng năm đạt 12%. Từ một huyện thuần nông, đến nay cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng. Lĩnh vực nông nghiệp của địa phương phát triển toàn diện, gắn sản xuất với chăn nuôi. Huyện đã và đang phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động; sản xuất theo quy hoạch, hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su, cây tiêu, cây điều và các loại cây ăn quả khác. Riêng trong năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của huyện dự kiến đạt 3.989 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,66%/năm; tỷ trọng trồng trọt - chăn nuôi lần lượt là 69,4% - 30,6%. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nên kinh tế trang trại trên địa bàn phát triển mạnh trong thời gian qua.
Đến nay, toàn huyện Phú Giáo đã phát triển được 100 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 197 trang trại nông nghiệp. Các trang trại chăn nuôi lớn, tập trung trên địa bàn huyện phát triển theo đúng quy hoạch, áp dụng phương pháp, kỹ thuật mới và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn Nhà nước và xã hội hóa, cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông, điện, trụ sở làm việc, trường học, trạm xá, chợ nông thôn, nước sạch… trên địa bàn được huyện đầu tư xây dựng, đáp ứng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tạo bộ mặt nông thôn có bước khởi sắc.
Hiện nay, huyện Phú Giáo không chỉ có nông nghiệp như những ngày đầu tái lập, mà đã dần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Mặc dù ngành công nghiệp của huyện có quy mô nhỏ nhưng cũng đã hình thành một số nhóm ngành công nghiệp như chế biến nông sản, thực phẩm, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ... Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện thực hiện dự kiến đạt 3.330 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,19%. Sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn huyện tập trung vào việc khai thác khoáng sản phi kim loại như cát, sạn, đất sét, cao lanh và chế biến sản phẩm mủ cao su, hạt điều, lương thực, thực phẩm, góp phần giải quyết đầu ra cho ngành nông nghiệp và phục vụ phát triển công nghiệp, xây dựng trên địa bàn.
Đối với ngành thương mại-dịch vụ của huyện Phú Giáo cũng có bước phát triển đáng kể. Các cơ sở kinh doanh, mạng lưới chợ, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ văn hóa - thể dục thể thao phát triển mạnh ở thị trấn và các xã dọc đường ĐT741, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, giao dịch, đời sống của nhân dân. Nếu như năm 2000, toàn huyện mới có 647 cơ sở kinh doanh, dịch vụ thì đến nay đã tăng lên 4.815 công ty, doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn huyện ước tính đến cuối năm 2018 đạt 5.031 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm trước (năm 2000 ngành này mới đạt doanh thu 99,7 tỷ đồng).
Ông Đoàn Văn Đồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết sau 19 năm tái lập huyện, kinh tế - xã hội của Phú Giáo đã có những thay đổi khá toàn diện, từng bước “thay da đổi thịt” một vùng nông thôn rộng lớn và cải thiện thu nhập của các tầng lớp nhân dân. Có thể nói, Phú Giáo đã mang một diện mạo rất khác so với ngày đầu tái lập huyện. Các hệ thống ngân hàng, siêu thị điện máy, hộ kinh doanh buôn bán sầm uất trên địa bàn đã phần nào cho thấy đời sống kinh tế sôi động của địa phương.
Tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn
Điểm nổi bật tạo ra sự thay đổi diện mạo của huyện Phú Giáo là kết cấu hạ tầng kinh tế được tập trung đầu tư với số lượng lớn, tốc độ nhanh, chiếm tỷ lệ chi xây dựng cơ bản từ 25 - 30% trong tổng chi ngân sách toàn huyện. Thời kỳ đầu huyện tái lập, hệ thống, quy mô giao thông trên địa bàn có kết cấu lạc hậu, nhỏ bé. Đến nay, mạng lưới giao thông trong toàn huyện được mở rộng, nâng cấp; nhiều tuyến đường liên xã, liên ấp được nhựa hóa; cầu bê tông vĩnh cửu bắc qua sông Bé được xây dựng, kết hợp tuyến đường ĐT741 liên thông giữa tỉnh Bình Dương - Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên mở ra sự liên kết, thông thương thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội huyện Phú Giáo nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
Đối với hệ thống điện trên địa bàn đã được ngành điện, địa phương tập trung đầu tư để phục vụ lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, lưới điện quốc gia đã phủ kín 70/70 khu, ấp trong toàn huyện Phú Giáo, với tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,98% (năm 2000 là 67,4%), tạo đà cho địa phương công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Dự kiến đến cuối năm 2018, hệ thống lưới điện trung - hạ áp trên địa bàn huyện có hơn 380km đường dây trung thế, hơn 375km đường dây hạ thế và 811 trạm biến áp; công suất tiêu thụ trên 121.000 KVA.
Công tác chỉnh trang đô thị cũng được huyện Phú Giáo thực hiện đúng quy hoạch. Các công trình công cộng, trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, ban ngành, đoàn thể trong huyện được xây dựng khang trang, đạt yêu cầu sử dụng. Cùng với đó, hệ thống cấp thoát nước, các công trình thiết chế văn hóa, nổi bật là công viên tượng đài chiến thắng Phước Thành, hệ thống cây xanh, tuyến đường nội ô thị trấn Phước Vĩnh đã được địa phương quan tâm đầu tư, tạo không gian đô thị ở trung tâm huyện lỵ xanh, sạch, đẹp.
Ông Đồng cho biết huyện Phú Giáo đang tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục phát triển đột phá về mặt kinh tế trong thời gian tới. Theo đó, Phú Giáo sẽ đổi mới, tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn, có uy tín và năng lực thực sự để làm ăn tại địa phương. Trong thu hút đầu tư, huyện chỉ thu hút các ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật cao, ít thâm dụng lao động. Bên cạnh đó, huyện sẽ chú trọng ổn định nguồn thu ngân sách để bảo đảm cho địa phương phát triển. Phú Giáo đã triển khai công bố rộng rãi quy hoạch nông - lâm - ngư nghiệp, chăn nuôi tập trung đến các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận cao. Trên cơ sở đó, huyện sẽ phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm không chỉ cải thiện đời sống nhân dân mà còn thực hiện mục tiêu xây dựng một Phú Giáo xanh, sạch, đẹp.
Lãnh đạo huyện Phú Giáo khẳng định, địa phương sẽ tập trung xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào đầu năm 2019. Địa phương cũng đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ và chỉnh trang đô thị để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đô thị Phú Giáo xanh, sạch, đẹp và là nơi thật sự đáng sống của các tầng lớp nhân dân.
KHÁNH VINH