15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII): Khởi sắc đời sống văn hóa tinh thần ở một làng Chăm

Thứ ba, ngày 18/06/2013

Nét mới tại làng Chăm

Ai đã từng đến thăm làng Chăm, nơi sinh sống của 92 hộ với 394 nhân khẩu người Chăm trước đây sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự “thay da đổi thịt” nhanh chóng tại đây. Con đường hẹp, lầy lội, nhiều ổ voi, ổ gà ngày nào đã được bê tông hóa rộng, thoáng. Để giúp người Chăm có điều kiện trao đổi mua bán, giao lưu văn hóa với cuộc sống bên ngoài, chính quyền đã đầu tư xây dựng con đường bê tông vào tận nhà dân. Đoạn đường dài 1.700m xuyên suốt hết làng được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I, dài 1.100m, kinh phí đầu tư hơn 5,4 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 7-2013. Giai đoạn II sẽ được khởi công vào thời gian tới.  

Ông Kho Sanh dạy con, cháu đọc chữ Chăm

Anh Du Số, đại biểu HĐND xã Minh Hòa (đại diện tiếng nói của người ĐBDTTS Chăm tại Minh Hòa), tâm sự: “Từ khi về sống tại Minh Hòa, được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ đất, cây con giống, khoa học kỹ thuật… đời sống người Chăm đã khá hơn nhiều. Giờ đây, khi điện, nước đã được đưa vào tận nhà, hệ thống đường sá, trường, trạm khang trang đã giúp cho đời sống tinh thần của người dân càng được nâng lên. Chúng tôi rất phấn khởi và cố gắng sống tốt để xây dựng làng, ấp văn hóa”.

Theo thống kê, hiện nay trong làng còn 3 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh. Các hộ nghèo, nguyên nhân do gia đình đông con, đất canh tác chưa cho thu hoạch. Để giúp các gia đình khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, Ban lãnh đạo ấp đã vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ, xây tặng nhà đại đoàn kết; hỗ trợ cây con giống và cho vay không lấy lãi; tuyên truyền không sinh con thứ ba… “Với nhiều hoạt động thiết thực của chính quyền địa phương, trong thời gian tới, các hộ khó khăn sẽ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hướng tới làng Chăm sẽ cơ bản “xóa” nghèo”, ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng ấp Hòa Lộc (Minh Hòa, Dầu Tiếng), vui vẻ khoe.

Kinh tế phát triển, người Chăm đã ý thức rõ việc cho con, em đi học để nâng cao trình độ dân trí. Theo đó, trong làng, nhiều em đã nắm giữ những tấm bằng đại học, cao đẳng, với các ngành nghề. Các em rời quê hương, “bay cao, bay xa” đến các tỉnh lập nghiệp và đem “tiếng thơm” về cho làng.

Bảo tồn trang phục truyền thống, chữ viết, nhà ở

Đồng bào Chăm đã bảo tồn bản sắc vốn có của dân tộc, điều này minh chứng rõ nhất là trang phục truyền thống. Tại đây, các cô gái Chăm tha thướt trong chiếc áo tunic (áo dài nhiều màu sắc), quấn xà rông, duyên dáng với chiếc khanh maom (khăn thêu) trên mái tóc đen tuyền. Các chàng trai Chăm trang trọng trong trang phục áo karung (áo dài nam), quấn xà rông, đội mươt (nón).  

Người Chăm hành lễ trong Thánh đường

Phó giáo cả Kho Sanh, nói: Mặc dù sống với người Kinh nhưng chúng tôi may mắn là được sống trong một tập thể riêng biệt. Khi mặc trang phục truyền thống, ai cũng giống ai, ai cũng thấy mình đẹp nên cứ thế phát huy. Ngoài ra, trong mỗi lần giảng đạo lý, tôi thường nhắc nhở mọi người, nhất là lớp trẻ, phải biết “yêu” nét văn hóa của dân tộc. Mặc dù xã hội phát triển hiện đại, nhưng chúng ta không nên đánh mất bản sắc dân tộc mình.

Không muốn con, cháu đời sau mù chữ Chăm, tại làng Chăm người dân trong làng và các Mạnh Thường Quân đã xây dựng ngôi trường dạy tiếng Chăm. Lớp học luôn duy trì từ 14 giờ đến 16 giờ mỗi ngày, với hơn 40 học sinh. Ngoài dạy đọc, viết chữ Chăm, lớp còn dạy các em đạo lý làm người. “Muốn các em sống tốt, cần được giáo dục từ nhỏ. Bởi, các em được dung nạp nhiều điều tốt, sẽ ươm mầm phát triển tâm hồn trong sáng, đạo đức”, thầy A Ri Phin (thầy phụ trách lớp) tâm sự.

Tại làng Chăm, những căn nhà lá đơn sơ đã được xây dựng khang trang. Điều đặc biệt, mỗi căn nhà đều có những dòng chữ Chăm trước cổng hay mặt tiền. Dòng chữ được trích trong kinh Koran. Những dòng chữ đó mang ý nghĩa cầu mong gia đình hạnh phúc, ấm no, con cháu khỏe mạnh…

Giữ nét đẹp phong tục tập quán

Nói đến phong tục tập quán của người Chăm theo đạo Hồi tại đây, đó là một chuỗi những nguyên tắc và được họ thực hiện rất nghiêm túc. Họ cầu nguyện 5 lần một ngày, ăn chay trong tháng Ramadan và thực hiện hành hương đến thánh địa Mecca. Họ tập trung cầu nguyện tại thánh đường vào trưa thứ sáu hàng tuần.

Về đám cưới, người Chăm vẫn giữ nguyên phong tục cưới hỏi của dân tộc mình. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ. Đàn ông lo việc ngoài nhà, đàn bà lo việc trong gia đình. Phong tục người Chăm con theo họ mẹ, họ bên mẹ được xem là gần (họ nội). Nhà gái cưới chồng cho con. Con trai ở rể nhà vợ, đến khi chết đi nhà vợ có trách nhiệm thờ cúng đến hết tang, sau đó mang hài cốt về trả lại cho dòng họ nhà trai tiếp tục thờ. Tuy nhiên, hiện nay, người Chăm tại đây đã “sống thoáng” hơn. Sau khi cưới, người con rể chỉ cần ở rể 15 ngày, sau đó hai vợ chồng có thể tùy chọn nơi sinh sống, miễn sao thoải mái và có thể phát triển kinh tế.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Hòa Nguyễn Văn Cảm, cho biết: Thời gian qua, chính quyền nơi đây cũng đã có nhiều chương trình “tiếp lửa” cho phong trào xây dựng và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân cho ĐBDTTS Chăm. Qua đó, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền pháp luật, giúp người dân phát triển kinh tế… Nhờ thế, bên cạnh đời sống vật chất được cải thiện, đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Chăm xã Minh Hòa ngày càng khởi sắc, đi lên...

THIÊN LÝ