12 luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2015
(BDO) 1. Luật Hải quan 2014 - Gồm 8 chương, 104 điều, có nhiều điểm mới tích cực so với trước đây, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu như: Việc khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử; quy định cụ thể hoạt động kiểm tra sau thông quan để doanh nghiệp có thể giám sát việc thực thi của cơ quan hải quan; các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan...
2. Luật Bảo vệ môi trường 2014 - Gồm 20 chương, 170 điều, điểm nổi bật cơ bản của luật là đã xây dựng mới nội dung về quy hoạch bảo vệ môi trường; quy định cụ thể hơn về nội dung cần phải có của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; bổ sung quy định về cam kết bảo vệ môi trường... Luật quy định bổ sung và cụ thể về trách nhiệm của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các làng nghề; các điều kiện về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh đối với bảo vệ môi trường làng nghề.
3. Luật Công chứng 2014 - Gồm 10 chương, 81 điều; điểm mới của luật như: Mở rộng phạm vi công chứng; tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên; tổ chức và hoạt động hành nghề công chứng.
4. Luật Phá sản 2014 - Gồm 9 chương, 133 điều; trước đây người lao động muốn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thông qua đại diện thì theo luật mới bản thân người lao động được quyền trực tiếp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
5. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 - Gồm 10 chương, 133 điều; luật có một số điểm mới như: Nâng độ tuổi kết hôn của nam và nữ; không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính; cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
6. Luật Đầu tư công 2014 - Gồm 6 chương, 108 điều; Luật Đầu tư công ban hành góp phần hoàn thiện, tạo ra hệ thống cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong quản lý các nguồn vốn đầu tư công.
7. Luật Xây dựng 2014- Gồm 10 chương,168 điều; điểm mới của luật là sẽ tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư xây dựng, bảo đảm công khai, minh bạch về quy trình cấp giấy phép xây dựng.
8. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, không cho phép giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa và sử dụng thuyền viên, người lái trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở hoặc sử dụng chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng trên phương tiện giao thông đường thủy nội địa từ ngày 1-1-2015.
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định thay đổi điều kiện dự thi nâng hạng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng
9. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014- Gồm 9 chương, 55 điều; một trong những nội dung đáng chú ý tại luật là quy định thị thực không được phép chuyển đổi mục đích nhằm ngăn chặn tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch nhưng lại ở lại Việt Nam để lao động, sinh sống. Đồng thời, luật cũng yêu cầu người nước ngoài đề nghị cấp thị thực vào Việt Nam để thực hiện đầu tư phải có giấy tờ chứng minh đầu tư tại Việt Nam; người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề và đặc biệt, người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động; vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.
10. Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật - Gồm 5 chương, 77 điều, có nhiều quy định mới về việc sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
11. Luật Việc làm- Gồm 7 chương, 62 điều; quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động; bảo hiểm thất nghiệp; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm.
12. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì lần đầu tiên hộ gia đình được coi là một nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Cụ thể, toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của hộ gia đình phải tham gia bảo hiểm y tế với mức đóng như sau: Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ 02, 03, 04 lần lượt đóng bằng 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 05 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Luật cũng bổ sung quy định Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện khó khăn; người đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo cũng sẽ được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, thay vì 95% như hiện hành.
SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG