11 năm đồng hành cùng doanh nghiệp

Thứ bảy, ngày 08/07/2017

(BDO) Suốt 11 năm kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) thuộc Sở Công thương Bình Dương đã thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp và tư vấn trong lĩnh vực công nghiệp đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2016, TTKC&TVPTCN đã thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, đề án trong năm. Vẫn còn nhiều khó khăn, song TTKC&TVPTCN đã đề ra các giải pháp tháo gỡ, để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

Các đề án khuyến công hỗ trợ DN phát triển

Xác định mục tiêu luôn đồng hành cùng DN, TTKC&TVPTCN Bình Dương đã triển khai, mở rộng nhiều nội dung hỗ trợ một cách thiết thực và hiệu quả. Nổi bật nhất là chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất.

Các công tác khác của trung tâm như kiểm toán năng lượng, sản xuất sạch hơn, bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, công tác tư vấn phát triển công nghiệp... cũng đều nhằm thực hiện mục tiêu đồng hành, hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển.

Khi chúng tôi hỏi về việc lựa chọn đối tượng thụ hưởng chương trình, bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc TTKC&TVPTCN cho biết: “Trung tâm đã bám sát những định hướng hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực, ưu tiên lựa chọn những đề án có sức lan tỏa lớn, khai thác được lợi thế của địa phương. Với nguồn hỗ trợ của trung tâm tuy không lớn, nhưng đây là “vốn mồi” góp phần khuyến khích cơ sở, DN đầu tư phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Từ những đồng vốn mồi, DN đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn

Về phía DN, bên cạnh việc mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng trong trang bị dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại hơn, các DN đã vượt khó vươn lên mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định sản xuất, kinh doanh, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Bà Trần Mỹ Hân, Công ty TNHH SX-TM-DV Mỹ Hân, ở Phú An, Bến Cát: “Được TTKC&TVPTCN hỗ trợ là 150 triệu đồng, công ty đã đầu tư dây chuyền ứng dụng hệ thống phun sơn tĩnh điện. Việc đầu tư dây chuyền hiện đại giúp công ty có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng và các đơn hàng yêu cầu cung cấp số lượng lớn mà các phương pháp sản xuất thủ công trước đây của cơ sở không thể thực hiện được. Nhờ đầu tư mới này, chất lượng sản phẩm đạt được độ chính xác về kỹ thuật, nét tinh xảo về mỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cho cơ sở sản xuất.

Được biết, đây là một trong số ít các DN sản xuất, gia công cơ khí trên địa bàn Bến Cát ứng dụng công nghệ sơn tĩnh điện trong các sản phẩm đan thủ công, góp phần hoàn thiện sản phẩm mang độ bền, đẹp và thân thiện với môi trường.

Tại Công ty TNHH chế biến gỗ Liên Thanh ở Hòa Lợi, Bến Cát, ông Trần Anh Vũ, Giám đốc công ty cho biết: “Với sự hỗ trợ 200 triệu đồng của TTKC&TVPTCN, công ty đầu tư thêm 300 triệu đồng, để đầu tư 2 máy nén khí nhãn hiệu: Mitsui seiki - Japan, Model: ZUV22AS - R có công suất 30 Hp cho hệ thống cung cấp hơi. Việc đầu tư trang bị máy nén khí mới thay thế máy nén khí cũ đã lạc hậu, giúp cho công ty tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Qua đầu tư mới này công ty giải quyết thêm 10 lao động so với trước, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, gia tăng năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ nội thất sang thị trường khó tính như Mỹ!”.

Nhìn chung, các DN thực hiện các đề án khuyến công đều mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng để đầu tư dây chuyền công nghệ mới hiện đại hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định thương hiệu, góp phần giải quyết lao động, bảo vệ môi trường, ổn định sản xuất, kinh doanh theo đúng định hướng phát triển bền vững của tỉnh.

Nhiều chương trình tiếp tục đồng hành cùng DN

Năm 2017, TTKC&TVPTCN tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ chính:

1. Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn. Kinh phí thực hiện: 2.250 triệu đồng;

2. Chương trình nâng cao năng lực quản lý (hỗ trợ đào tạo, khởi sự DN, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hội thảo, tập huấn, tham quan khảo sát trong nước, tham gia hội thảo). Kinh phí thực hiện: 234 triệu đồng;

3. Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Kinh phí thực hiện: 513 triệu đồng;

4. Chương trình tư vấn trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn. Kinh phí thực hiện: 63 triệu đồng;

5. Chương trình cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công. Kinh phí thực hiện: 840 triệu đồng;

6. Hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Kinh phí thực hiện: 450 triệu đồng;

7. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công. Kinh phí thực hiện: 88 triệu đồng.

Khi chúng tôi hỏi về giải pháp để hoàn thành tốt 7 nhiệm vụ này trong năm 2017 bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết: “Hiện chúng tôi đang củng cố kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức đang công tác tại trung tâm, song song với việc phát triển mạng lưới cộng tác viên thực hiện chương trình khuyến công một cách sâu rộng tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt tình hình tại địa phương, hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở CNNT. Đặc biệt, thực hiện chủ trương tiếp tục đồng hành cùng DN của tỉnh, hiện chúng tôi đang tăng cường công tác hướng dẫn, tư vấn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các cơ sở CNNT, làm cơ sở xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ thiết thực và mang tính khả thi cao”.

Và để đồng hành cùng DN tốt hơn nữa, tại buổi nghiệm thu các đề án khuyến công tại các DN, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sở Công thương cùng TTKC& TVPTCN và các đơn vị trực thuộc sở đang nâng cao năng lực tư vấn, thực hiện các dịch vụ công về lĩnh vực sản xuất sạch hơn, an toàn công nghiệp, hóa chất, quản lý thị trường... tiếp tục đồng hành cùng DN, để thực hiện tốt Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh và các nhiệm vụ chính trị của sở theo đúng trọng tâm và định hướng phát triển CNNT trên địa bàn tỉnh”.

Trong năm 2016, trung tâm đã hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp (DN), cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), với ngân sách hỗ trợ là 950 triệu đồng, thu hút vốn đối ứng của các DN, cơ sở gần 9 tỷ đồng. Có thể thấy chương trình đã thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của DN, cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất ngày càng có chất lượng cao, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thành quả khuyến công 11 năm đóng góp cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế công nghiệp là quá rõ. Song khó khăn của công tác khuyến công vẫn còn nhiều. Để thực hiện tốt kế hoạch khuyến công 2016-2020, TTKC&TVPTCN, Sở Công thương đang phối hợp cùng các ngành, cơ quan chức năng sớm giải quyết các khó khăn về vốn và cơ chế để đối tượng thụ hưởng thêm nức lòng, phấn khởi tham gia các chương trình khuyến công đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường. Với những giải pháp tăng cường phối kết hợp với các ngành, phát triển, kiện toàn nguồn nhân lực, hiện tập thể cán bộ trung tâm, cùng đội ngũ công tác viên trong toàn tỉnh đang cháy hết mình để đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp khuyến công ngày càng khởi sắc.

BẢO ANH 

Từ khóa: