10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2010

Thứ ba, ngày 28/12/2010

1. Hội nghị cấp cao Đông Á với sự hiện diện của Mỹ, Nga

Năm 2010 là năm đầy ắp những hoạt động trong lĩnh vực nội khối và lĩnh vực đối ngoại của ASEAN, do Việt Nam làm Chủ tịch. Đã có 14 cuộc họp cấp cao của ASEAN với các đối tác, trong đó lần đầu tiên có tới 8 cuộc họp cấp cao riêng ASEAN+1 với các đối tác trong dịp Hội nghị cấp cao ASEAN-17 (tháng 10). Một trong những kết quả nổi bật là sự tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy liên kết ở khu vực Đông Á, nhất là thông qua các khuôn khổ ASEAN+3 như là một công cụ chính và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) với tư cách là cơ chế bổ trợ cho mục tiêu lâu dài là xây dựng cộng đồng Đông Á.   Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị EAS   Hà Nội đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của khu vực và quốc tế trong những ngày cuối tháng 10 khi ASEAN đã quyết định mở rộng EAS để Nga và Mỹ tham gia trên cơ sở ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và tôn trọng các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức và ưu tiên của EAS đã được thống nhất từ trước. Các chuyên gia phân tích Mỹ cho rằng về lâu về dài, EAS là cơ cấu toàn khu vực thích hợp nhất cho Mỹ, với Mỹ là thành viên và ASEAN là trung tâm điểm.

Sự tham dự của hai Ngoại trưởng Hillary Clinton và Sergei Lavrov tại cuộc họp ở Hà Nội lần này càng có ý nghĩa quan trọng, nhất là vì kể từ năm 2011, hai tổng thống Mỹ và Nga sẽ chính thức được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Việc tham gia của 2 nước này vào EAS sẽ dựa trên cơ sở tôn trọng các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức, ưu tiên của EAS và ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN.

2. Tình hình Đông Bắc Á liên tục nóng

Vụ tàu chiến Cheonan bị chìm ở Hoàng Hải hôm 26/3, làm 46 thủy thủ thiệt mạng, đã châm ngòi cho căng thẳng gia tăng trong khu vực sau khi Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đứng sau vụ này và cùng Mỹ tiến hành một loạt cuộc diễn tập hải quân lớn trên biển Hoàng Hải (biển Tây Bán đảo Triều Tiên) và Biển Nhật Bản (phía Đông Bán đảo Triều Tiên). Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo hậu quả của những động thái này và phản đối sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ trên vùng biển giữa Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên.

Vụ giao tranh giữa hai miền qua vùng ranh giới biển ở Hoàng Hải ngày 23/11 càng làm tình hình thêm căng thẳng. Ngày 18/12, Mỹ, Trung, Nga cảnh báo tình hình nóng bỏng trên Bán đảo Triều Tiên, trong khi nhiều ý kiến tại Hàn Quốc cho rằng trong vòng vài chục năm nay, đây là thời điểm nguy cơ chiến tranh giữa hai miền có khả năng xảy ra nhiều nhất.   Mỹ-Hàn liên tục tiến hành các cuộc tập trận chung sau vụ chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị chìm

Trong khi đó, Bắc Kinh và Tokyo đã rơi vào các cuộc tranh cãi ngoại giao tồi tệ nhất trong nhiều năm qua sau vụ việc ngày 7/9 liên quan đến tranh chấp có từ lâu quanh quần đảo Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Trung Quốc tuyên bố gác lại cuộc hội đàm song phương về vấn đề biển Hoa Đông được dự kiến vào giữa tháng 9, ngừng đối thoại ngoại giao với Nhật Bản và có tin từ Nhật Bản nói Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang nước này. Tranh chấp quanh hòn đảo này đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình chống Nhật xảy ra tại nhiều thành phố ở Trung Quốc và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Tokyo trong nhiều ngày hồi tháng 10.

3. Cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu

Đây được coi là “dư chấn” của cuộc khủng hoảng tài chính mà thế giới vừa trải qua trong hai năm 2008-2009. Đến trung tuần tháng 5, cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp đã lan nhanh sang các nước ở khu vực đồng euro trong bối cảnh châu Âu đã bị suy yếu vì khủng hoảng chính trị, có nguy cơ gây đổ vỡ dây chuyền khắp khu vực đồng euro. Các vấn đề rắc rối chủ yếu xảy ra ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và Tây Ban Nha, đã tác động đến thị trường chứng khoán và tiền tệ thế giới. Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải hỗ trợ hàng trăm tỷ Euro.   Biểu tình ở Athen, Hy Lạp, chống chính sách khắc khổ của chính phủ, đã diễn ra ngày 14/12. Đây là loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng thứ hai mà chính quyền Hy Lạp áp dụng, sau khi loạt biện pháp thứ nhất được đưa ra vào tháng 5 năm nay

Đến tháng 11, châu Âu náo loạn trước nguy cơ khủng hoảng lây lan khắp khu vực đồng euro, vì sau Hy Lạp, giờ là Ireland và sắp tới có thể Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha sẽ cần đến sự hỗ trợ của châu Âu. Sự giận giữ và nỗi lo sợ về cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, một cuộc khủng hoảng dường như đã tới mức không thể ngăn chặn được, đang lan tràn khắp châu lục: Công nhân đình công làm hàng loạt nhà máy ở Bồ Đào Nha phải đóng cửa; Ireland phải cắt giảm chi tiêu mạnh nhất trong lịch sử; Sinh viên ở Italia và Anh đụng độ với cảnh sát trong các cuộc biểu tình chống cắt giảm ngân sách giáo dục. Trong khung cảnh ấy, các nhà phân tích lại lo ngại rằng nỗ lực của chính phủ các nước, EU và IMF có thể không đủ để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của nhiều quốc gia và nhiều ngân hàng.

4. WikiLeaks và "vụ 11/9" với ngành ngoại giao thế giới

Năm 2010 được báo giới gọi là năm của WikiLeaks. Cho dù theo hướng tốt lên hay xấu đi, WikiLeaks đang tạo điều kiện cho các chính phủ, các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới tìm câu trả lời cho hàng loạt câu hỏi hắc búa quanh chính sách của Mỹ, cũng như các vấn đề tự do ngôn luận, tự do Internet, bí mật cá nhân, bí mật, minh bạch, quyền lực và cả những nguy hiểm của mạng thông tin toàn cầu nữa.  

Julian Assange, chủ nhân trang web WikiLeaks và những tiết lộ với báo giới

Ngày 28/11, WikiLeaks - trang web đóng tại Thụy Điển do lập trình viên máy tính người Australia Julian Assange sáng lập - đã công khai nội dung của 250.000 văn thư ngoại giao nội bộ của Mỹ cho nhiều tờ báo hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều thông tin nhạy cảm về chủ nghĩa khủng bố và vấn đề phổ biến hạt nhân. Những văn thư ngoại giao của Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ cho biết toàn cảnh chưa từng thấy về những cuộc đàm phán bí mật mà các sứ quán nước Mỹ trên khắp thế giới thực hiện. Các tài liệu ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ ngày càng gây bất bình cho lãnh đạo nhiều nước, từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Argentina, Venezuela…

Đây là lần thứ ba WikiLeaks công bố tài liệu mật quy mô lớn. Ngày 25/7, WikiLeaks đăng tải khoảng 92.000 tài liệu quân sự, tình báo về cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan giai đoạn 2004-2009. Ngày 22/10: WikiLeaks đã tung ra gần 400.000 tài liệu quân sự mật mới liên quan đến cuộc chiến tranh Iraq, trong đó tiết lộ những bí mật chưa được biết tới về cuộc chiến này.

5. Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc quý II/2010 đạt 1.336 tỷ USD, vượt Nhật Bản (1.288 tỷ USD) trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Tăng trưởng của Trung Quốc dự báo gấp ít nhất 4 lần tăng trưởng của Mỹ và Tây Âu trong nhiều năm tới. Trung Quốc hiện có lượng vàng và dự trữ ngoại tệ trị giá 5.000 tỷ USD, trừ khoản nợ nước ngoài 374 tỷ USD vẫn còn 4.600 tỷ để đầu tư vào nền kinh tế. Bất chấp tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu, từ đầu tháng 4 đã có nhận định rằng trong năm nay, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia sản xuất ô tô lớn nhất thế giới

Theo các nhà kinh tế, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hầu như không có ý nghĩa gì, vì xét về sức mua - một chỉ số kinh tế quan trọng hơn - Trung Quốc đã vượt Nhật Bản cách đây gần 1 thập kỷ. GDP danh nghĩa của Trung Quốc (tính bằng đồng USD) được xác định là vượt Nhật Bản chủ yếu nhờ yếu tố tỷ giá và sự điều chỉnh các số liệu thống kê. Tuy nhiên, đối với những người không phải là chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là rất quan trọng vì nó cho thấy một sự dịch chuyển về quyền lực kinh tế và chính trị trên toàn cầu. Đối với chính phủ Trung Quốc, sự kiện trên cũng rất quan trọng vì sự tiến bộ trong bảng xếp hạng GDP sẽ khiến thế giới chú ý hơn và hy vọng nước này sẽ gánh vác trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.

6. Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan

Từ ngày 12/3 đến 19/5, “áo đỏ” phát động chiến dịch biểu tình quy mô lớn chưa từng có, đòi Thủ tướng Abisit từ chức, giải tán quốc hội và tiến hành bầu cử sớm. Hàng chục nghìn người biểu tình “áo đỏ” chống chính phủ đã tham gia cuộc biểu tình lớn ở Bangkok và nhiều thành phố khác, sau đó cố thủ ở trung tâm thủ đô, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho Thái Lan.  

“Áo đỏ” xây "chiến lũy" bằng tre và lốp xe cũ cạnh khu phố tài chính của Bangkok.

Lệnh tình trạng khẩn cấp được áp dụng từ ngày 7/4 trên 24 trong tổng số 76 tỉnh của Thái Lan, theo đó trao thêm quyền cho cảnh sát và quân đội để kiểm soát phong trào biểu tình của những người chống chính phủ khi đó. Một loạt cuộc xung đột đã xảy ra giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình, trong đó nghiêm trọng nhất là trong các ngày 10/4 và 19/5, làm hơn 80 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương. Ngày 19/5, quân đội đã đẩy bật được những người biểu tình "áo đỏ" chống chính phủ ra khỏi khu vực trung tâm Bangkok, nơi họ đã chiếm giữ suốt 6 tuần, nhưng các đám đông giận dữ đã đốt phá các tòa nhà ở thủ đô và các thị trấn tại Đông Bắc Thái Lan. Ngày 20/5, Chính phủ tuyên bố đã giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay ở nước này, bắt tay vào lập lại trật tự và khôi phục hình ảnh đất nước.

Các cuộc đối đầu giữa quân chính phủ và người “áo đỏ” đã biến trung tâm Bangkok thành vùng hạn chế đi lại đối với du khách ngoại quốc. Nhiều nước cảnh báo công dân du lịch đến Thái Lan. Bất ổn chính trị đã ít nhiều làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, gây tổn thất cho ngành du lịch trong khi giới đầu tư nước ngoài hoang mang.

7. Động đất ở Haiti và Chile Trận động đất kinh hoàng tháng 1 năm nay ở Haiti làm cả thế giới chấn động vì con số người chết quá cao và vì Haiti là đất nước quá nghèo. Ngày 12/1, chỉ trong nháy mắt, hơn 230.000 người đã thiệt mạng và mất tích trong vụ động đất mạnh nhất ở Haiti từ năm 1887 đến nay. Rung chấn từ trận động đất mạnh 7 độ Richter đã tạo nên một làn sóng phá hủy ghê gớm, hạ gục cả những công trình vững chắc nhất ở thủ đô Haiti. Theo các chuyên gia, trận động đất ở Haiti có sức tàn phá mạnh bởi tâm chấn nằm gần mặt đất làm tăng mức độ rung lắc, lại chỉ cách Port-au-Prince chưa đầy 16km. Cơ quan khảo sát địa chất Anh quốc đánh giá trận động đất tại Haiti có tác động "hủy diệt" và có sức mạnh tàn phá tương đương 10 độ Richter. Những người sống sót cố tìm kiếm những người mắc kẹt trong các đống đổ nát ở Haiti. Gần 1 năm trôi qua, Haiti mới chỉ khắc phục được rất ít hậu quả của động đất.

Mạnh hơn trận động đất ở Haiti 1.000 lần, trận động đất ngày 27/2 ở Chile đã gây ra sự tàn phá rất lớn, khi những dư chấn mạnh lan khắp Nam Mỹ. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ đưa tin động đất ở Chile kéo dài tới 90 giây kèm với ngay sau đó là 11 dư chấn. Là một trong những trận động đất dữ dội nhất trong lịch sử thế giới, sức tàn phá của nó rất kinh khủng. Gần 1.000 người chết và mất tích, cảnh báo sóng thần được ban bố khắp khu vực vành đai Thái Bình Dương. Trận động đất có thể đã khiến trục của Trái đất bị dịch chuyển, dẫn đến ngày của chúng ta ngắn lại 1,26 phần triệu giây so với trước khi xảy ra động đất. Các chuyên gia cũng cho biết sở dĩ con số thương vong ở Chile thấp hơn Haiti, dù động đất mạnh hơn rất nhiều, đơn giản là do nước này đã chuẩn bị đối phó với động đất tốt hơn. Thiệt hại kinh tế cho Chile sau thảm họa này là khoảng 30 tỷ USD.

8. Chiến dịch giải cứu thần kỳ 33 thợ mỏ Chile

Ngày 14/10, thợ mỏ cuối cùng trong số 33 thợ mỏ Chile bị mắc kẹt đã được đưa lên mặt đất an toàn sau 69 ngày sống dưới lòng đất ở độ sâu gần 700m, đánh dấu việc hoàn tất cuộc giải cứu lịch sử, li kỳ và rất xúc động. Cuộc giải cứu có hồi kết giống như một câu chuyện cổ tích có hậu, khó tin mà lại có thực ở thế kỷ 21 này cho thấy nỗ lực của con người và sự hỗ trợ của các phương tiện đã chiến thắng, mở ra cách thức mới đối phó với các thảm họa.

  Thợ mỏ cuối cùng Luis Urzuabước ra từ khoang cứu hộ

Những người theo dõi từ khắp toàn cầu, từ các thợ mỏ cho tới các nhà lãnh đạo thế giới, đã ngóng chờ từng giây từng phút trong đêm khi khoang Phoenix 2 mang màu cờ Chile được đưa xuống mỏ San Jose. Tổng thống Chile thông báo rằng một tỷ khán giả truyền hình trên thế giới đã theo dõi cuộc giải thoát các thợ mỏ. Hơn 2.000 phóng viên và các kênh truyền hình lớn đã truyền đi những hình ảnh trực tiếp về chiến dịch giải cứu từ khu mỏ San Jose, khi khoang cứu hộ đưa thợ đầu tiên lên mặt đất - khoảnh khắc mà nhiều người cảm giác giống giây phút con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng cách đây hơn 40 năm.

9. Thảm hoạ môi trường tồi tệ nhất của Mỹ

Vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico hồi cuối tháng 4 được coi là thảm họa môi trường khủng khiếp nhất mà Mỹ từng phải đối phó.

  Các nhà khoa học cảnh báo có một thảm họa con người không thể thấy ở vịnh Mexico do vụ dầu tràn gây ra vì nó quá sâu   Theo tính toán được đưa ra 85 ngày sau đó, lượng dầu đổ ra biển đã vượt quá 200 triệu gallon, cao gấp hơn 9 lần lượng dầu tràn trong thảm họa Exxon Valdez năm 1989 ở Alaska, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển ở cả khu vực rộng lớn. Mỹ đã tuyên bố "thảm họa ngư nghiệp" tại các bang sản xuất hải sản của nước và chấp thuận đề nghị của 12 nước khác giúp dọn sạch và ngăn chặn vụ tràn dầu.   Tổng thống Obama đã phả chỉ đạo thực hiện một chiến dịch có quy mô chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ để đối phó với một thảm họa sinh thái, huy động tới hơn 19.000 chiếc tàu, với 20.000 người tham gia dọn dầu loang. Nhưng các nhà khoa học độc lập và các viên chức Mỹ nói có một thảm họa chúng ta không thể thấy ở vịnh Gulf of Mexico do vụ dầu tràn gây ra vì nó quá sâu. Hai “đám mây khổng lồ”, sâu vài trăm mét và kéo dài nhiều dặm đã thành hình dưới đáy biển. Đó là dầu và chắc chắn nhiều loài sinh vật sẽ bị ảnh hưởng.

10. Nguy cơ khủng bố dưới hình thức mới đe dọa Phương Tây

Châu Âu đã đối mặt với làn sóng đánh bom khủng bố bằng bưu kiện chưa từng có nhằm vào các thể chế và lãnh đạo khu vực. Nhiều nước phương Tây đã phát hiện hàng loạt gói bưu kiện hàng không có chứa chất nổ từ Yemen chuyển sang các địa chỉ ở châu Âu và Mỹ.

Thủ tướng Italia Berlusconi là một trong những nhà lãnh đạo trở thành mục tiêu của bom thư

Hồi tháng 11, các lực lượng an ninh Hy Lạp đã phát hiện ít nhất 11 bưu kiện chứa chất nổ ở thủ đô Athens, bao gồm một gói đề tên người nhận là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, 8 bưu kiện có địa chỉ nơi nhận là các đại sứ quán nước ngoài tại Hy Lạp, gồm Bungari, Nga, Đức, Thụy Điển, Mexico, Chile, Hà Lan và Bỉ. Theo giới chức Mỹ, chi nhánh Al Qaeda tại bán đảo Arập với đại bản doanh đặt tại Yemen đã sử dụng các chuyến hàng trên để xác định tuyến đường và thời điểm chuyển các hộp mực in chứa chất nổ. Các bưu kiện được phát hiện hồi tháng 9 giúp các cơ quan tình báo Mỹ dự đoán được khả năng các phần tử khủng bố sử dụng máy bay chở hàng để tấn công.

Theo Dân Trí