10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2011
Từ “Mùa Xuân Ảrập”, đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rồi sự kiện trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt - năm 2011 được đánh dấu bằng những sự kiện có biến động mạnh và mang tính lịch sử, được dự báo sẽ định hình thế giới sau nhiều năm tới.
1. “Mùa xuân Ảrập”
Không ai có thể ngờ vụ tự thiêu của một thanh niên người Tunisia vào ngày 2-1-2011 đã châm ngòi cho một làn sóng nổi dậy của công chúng lan khắp khu vực Trung Đông-Bắc Phi mà dư âm của nó được dự báo sẽ tiếp tục tác động đến cục diện khu vực và thế giới trong năm 2012.
Ngọn lửa phản kháng bùng lên ở Tunisia và chỉ trong vòng 100 ngày đã lan sang gần như tất cả 22 nước Ảrập. Người dân xuống đường để bày tỏ sự tức giận trước những khó khăn kinh tế, sự bất bình đẳng xã hội, các cuộc xung đột tôn giáo và bộ lạc. Cơn địa chấn chính trị - xã hội này đã khiến một loạt chính phủ ở Tunisia, Ai Cập, Yemen tồn tại hàng chục năm bị sụp đổ, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo chính trị ở các nước. Điều gây sửng sốt nhất có lẽ là sự ra đi của nhà lãnh đạo kỳ cựu của Libya, Moammar Gadhafi - được cho là đã đánh dấu một diễn tiến khu vực quan trọng. Nhưng sự ra đi của các nhà lãnh đạo đầy quyền lực vẫn chưa phải là dấu chấm hết cho những bất ổn chính trị tại khu vực này.
Người biểu tình đốt ảnh của cựu Tổng thống Tunisia Zine el-Abidine Ben Ali trong một cuộc biểu tình ở Tunis ngày 24-1-2011.
2. Động đất/sóng thần và thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản
Ngày 11-3, một trận động đất mạnh 9,0 độ richter đã làm rung chuyển bờ biển đông bắc Nhật Bản, gây ra trận sóng thần khủng khiếp chưa từng có trong hàng thập kỷ qua. Hậu quả trận động đất/sóng thần này không chỉ để lại một vùng tan hoang rộng lớn, hay không dừng lại ở những con số 15.400 người bị chết, hơn 8.000 người mất tích, mà còn khiến Nhật Bản phải đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986.
Chính phủ Nhật Bản đã ước tính thiệt hại sau thảm họa động đất và sóng thần là vào khoảng 210 tỷ USD, chưa bao gồm thiệt hại do sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Một số nhà kinh tế dự đoán Nhật Bản phải tốn thêm 200 tỉ USD nữa cho công tác tái thiết. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, nên hậu quả thảm họa 11-3 với nước này đương nhiên sẽ ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có khu vực Đông Á, kìm hãm đà phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
3. Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần đầu tiên Mỹ, Nga tham dự là thành viên chính thức
Trong tháng 11, mọi sự chú ý đã hướng về Bali (Indonesia) khi một diễn đàn do ASEAN đóng vai trò trung tâm - Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) trọn vẹn lần đầu tiên được tổ chức, kết nối lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN với 8 quốc gia khu vực bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Mặc dù EAS đã trải qua 5 kỳ hội nghị, nhưng hội nghị lần thứ 6 này được dư luận đặc biệt quan tâm do đây là lần đầu tiên có sự tham gia của Mỹ và Nga, hai nước lớn quan trọng hàng đầu trên thế giới. Sự tham gia của hai quốc gia này được đánh giá là nâng tầm quan trọng chiến lược của EAS trên quy mô lớn hơn và giúp làm cân bằng các mối quan hệ trong EAS.
EAS 6 diễn ra ngày 19-11, chỉ một tuần sau khi Mỹ đăng cai Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 19 (APEC 19) tại Hawaii. Tại APEC 19, người ta chú ý đến mặt kinh tế và sáng kiến của Mỹ là vận động hợp tác kinh tế để xây dựng hợp tác chiến lược, còn tại EAS - dư luận chú ý đến vấn đề an ninh. Vấn đề Biển Đông đã được Tổng thống Mỹ nêu ra trước hội nghị. Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức nêu vấn đề Biển Đông ra trước diễn đàn EAS 6 nhấn mạnh thêm tính chất quốc tế của hồ sơ này.
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Indonesia Yudhoyono cùng phu nhân trong tiệc chiêu đãi tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị Đông Á (EAS) ở Bali, Indonesia, tối 18-11-2011.
4. Khủng hoảng nợ châu Âu
Khu vực châu Âu, vốn có truyền thống hòa bình và thịnh vượng, phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công. Bắt đầu từ những nước "ngoại biên" như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, cuộc khủng hoảng này cuối cùng lan sang các nền kinh tế lớn của châu Âu như Pháp và Đức.
Các thủ tướng của Hy Lạp và Italia đã phải từ chức vì những chỉ trích liên quan tới sự thất bại trong việc kiểm soát các khoản nợ khổng lồ của hai nước này. Hai tuần trước khi năm 2011 kết thúc, giới phân tích kinh tế tại Anh rộ lên tin đồn Pháp sắp bị Standard&Poor's đánh tụt hạng tín nhiệm, đồng nghĩa với việc thành viên lớn thứ 2 của khu vực đồng euro bị cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa và đồng tiền chung euro bị đẩy gần hơn tới bờ vực tan rã. Nếu điều này xảy ra, tác động đối với các quốc gia và công ty ở châu Âu cũng như trên phạm vi toàn cầu là rất nghiêm trọng, tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng 2008-2009.
Thủ Tướng Italia Silvio Berlusconi đã từ chức vào giữa tháng 11, chấm dứt một thời kỳ chính trị 17 năm được đánh dấu bằng những cáo giác tham nhũng, những tai tiếng về tình dục, và những chỉ trích liên quan tới sự thất bại trong việc kiểm soát các khoản nợ khổng lồ.
5. Cuba "chuyển mình" sau Đại hội Đảng Cộng sản
Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI khai mạc ngày 16-4 ở thủ đô Havana là sự kiện được đánh giá sẽ khai mở một trang mới trong lịch sử của Cuba, với những cải cách kinh tế và với một thế hệ lãnh đạo mới. Đại hội này được xem là sự kiện quan trọng nhất kể từ Đại hội Đảng năm 1975, chính thức hóa việc áp dụng mô hình Liên Xô vào Cuba, một mô hình mà nay không còn thành công.
Đại hội đã thông qua kế hoạch đổi mới kinh tế để “cập nhật hóa” mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa đã được áp dụng từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước - đây là khúc quanh kinh tế mà Chủ tịch Raul Castro đề xướng. Đại hội cũng đã bầu chọn các ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bí thư thứ nhất và thứ hai. Chủ tịch Raul Castro- Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, đã được bầu là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba.
6. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời
Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA đưa tin Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il đã qua đời ngày 17-12-2011 khi đang trên một chuyến tàu hỏa đi thị sát ngoài thủ đô Bình Nhưỡng. Sau cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-il, một loạt câu hỏi đã được đặt ra về tương lai của quốc gia Đông Bắc Á này cũng như những tác động của sự kiện này với tình hình khu vực.
Về mặt chính thức, đại tướng Kim Jong-un - con trai thứ ba của Chủ tịch Kim Jong-il - sẽ kế nhiệm cha và đã được chuẩn bị cho vị trí này trong 2 năm qua. Hàn Quốc không giấu giếm hy vọng sự ra đi của nhà lãnh đạo Kim Jong-il sẽ là nền tảng của việc mở ra một kỉ nguyên mới cho quan hệ liên Triều. Nhưng điều Mỹ và các đồng minh trong khu vực băn khoăn nhất hiện nay là nguy cơ gia tăng sự không rõ ràng xung quanh chương trình hạt nhân cũng như những hành động có thể của quốc gia này trong năm 2012.
7. Trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt
Bin Laden bị tiêu diệt ngày 2-5, trước khi Mỹ kỷ niệm 10 năm vụ 11-9. Cái chết này đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo và chấm dứt chính sách đối ngoại tập trung chống chủ nghĩa khủng bố và hậu quả ngày 11-9 của Mỹ kéo dài một thập kỷ.
Cũng trong năm 2011, Mỹ - cường quốc quân sự và kinh tế số 1 của thế giới - bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, hai nước Mỹ đã phát động chiến tranh trong thập kỷ qua dưới danh nghĩa chống khủng bố. Siêu cường Mỹ đang thay đổi chiến lược khi trở lại tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
8. Phong trào “Chiếm phố wall” lan khắp thế giới
Những người biểu tình lấy tên phong trào “Chiếm phố Wall” bắt đầu tổ chức cuộc tuần hành phản kháng đầu tiên ở trung tâm tài chính thành phố New York (Mỹ) ngày 17-9 để phản đối sự tham lam của các tập đoàn và chính sách cắt giảm của chính phủ. Phong trào này sau đó đã lan đến hàng chục thành phố trên khắp nước Mỹ và một tháng sau ngày 17-9, chính quyền của hơn 80 quốc gia đã phải xem xét mức thiệt hại do các hành động phản đối khởi phát từ chiến dịch “Chiếm phố Wall” gây ra.
Giới phân tích cho rằng đây là lần đầu tiên thế giới chứng kiến một phong trào phạm vi toàn cầu đoàn kết những người từ các quốc gia khác nhau. Tất cả đều ủng hộ ý tưởng chính: cần phải thay đổi hệ thống tài chính, và sáng kiến này sẽ làm thay đổi chính phủ. Giới phân tích thậm chí đã cho rằng dù “Mùa xuân Ảrập” là sự kiện được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2011, nhưng chính các phong trào chính trị-xã hội phi bạo lực nổ ra ở Phương Tây lại tác động có tính chất quyết định tới tương lai của toàn thế giới.
9. Thế giới 7 tỷ người
Vào tháng 10-2011, dân số thế giới đã đạt 7 tỷ người, đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của nhân loại. Đội ngũ dân số đông với lực lượng lao động trẻ là một tiềm năng cho sự phát triển kinh tế, nhưng bên cạnh đó nổi lên nhiều thách thức to lớn, trước tiên là đảm bảo nhu cầu về lương thực và phúc lợi an sinh xã hội.
Đứa trẻ thứ 7 tỷ đã chào đời trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi sâu rộng và khó lường cả về môi trường kinh tế, địa chính trị, công nghệ và dân số. Kể từ khi thành lập Liên hợp quốc vào năm 1945, dân số thế giới đã tăng gấp 3 lần.
10. Đám cưới Hoàng gia Anh
Trong năm 2011, có một vài vụ bê bối đáng chú ý như vụ nghe lén điện thoại của tờ báo News Of the World của tập đoàn truyền thông Rupert Murdoch và vụ bê bối tình dục của cựu Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Strauss-Kahn. Trong bối cảnh đó, một điểm sáng thu hút sự quan tâm của thế giới chính là Đám cưới Hoàng gia Anh giữa Hoàng tử William và Kate Middleton vào cuối tháng 4.
Đám cưới của của họ là một trong những sự kiện nằm trong top 10 sự kiện lớn nhất từ trước đến nay trên Internet. Hãng tin CNN công bố thống kê cho thấy Will + Kate = sự kiện lớn thứ 6 trên Internet từ trước đến nay, vượt qua cả sự kiện chính trị rất lớn của Mỹ là cuộc bầu cử mang đến cho cường quốc số 1 thế giới này tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử.
Theo Dân Trí