10 năm xây dựng và phát triển: Bước đi vững chắc

Thứ ba, ngày 10/12/2013

Ngày 30-5-2003, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) được thành lập trên cơ sở hợp nhất tổ chức của các Sở Địa chính và một số bộ phận của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường. Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, Sở TN&MT Bình Dương đã có sự trưởng thành vượt bậc, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển của tỉnh nhà…

10 năm - một chặng đường

Đến nay, Sở TN&MT đã được sắp xếp tổ chức lại hoàn chỉnh gồm 4 phòng và 7 đơn vị trực thuộc với 325 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trong quá trình phát triển, sở chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nên có 99% cán bộ có trình độ đại học và sau đại học.

Xác định vai trò quan trọng của lĩnh vực TN&MT đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sở luôn làm tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 106 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, đặc biệt là các quy hoạch, kế hoạch, đề án, quy định dài hạn quản lý về TN&MT; đồng thời phối hợp với các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các hội và đoàn thể có nhiều hình thức phù hợp để thường xuyên tuyên truyền, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về TN&MT. Song song đó, sở cũng đã thực hiện tốt Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và mô hình khung quản lý hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, hạ tầng công nghệ thông tin và lưu trữ đang được đầu tư hoàn chỉnh. Phần lớn các lĩnh vực quản lý đều thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng phần mềm chuyên ngành, cổng thông tin điện tử của sở, đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2 và 3.

Bản đồ là công cụ không thể thiếu trong quản lý đối với lĩnh vực TN&MT. Vì vậy, sở đã chỉ đạo sát sao công tác đo đạc, lập bản đồ, bảo đảm tiến độ thống kê, lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện sớm; việc quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chấn chỉnh và thiết lập cơ sơ pháp lý để quản lý quỹ đất công cũng từng bước đạt được những kết quả quan trọng góp phần tích cực vào sự chuyển dịch và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Với những thành tích đó, Sở TN&MT Bình Dương đã vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể các cấp trao tặng cho tập thể và cá nhân thông qua các hình thức khen thưởng. Đặc biệt liên tục từ năm 2008 đến nay, nhiều đơn vị và cá nhân được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ TN&MT, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước tặng danh hiệu, cờ thi đua, bằng khen và Huân chương Lao động. Riêng năm 2012, Sở TN&MT đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

 

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, sở thường xuyên phối hợp rà soát, kiểm tra, kịp thời xử lý các hoạt động trong hoạt động khoáng sản, bảo đảm phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tưới tiêu, sinh hoạt và nhiều mục đích khác. Đến nay, quy hoạch khoáng sản mới đã được lập; các quy định về vùng cấm, vùng hạn chế hoạt động khoáng sản và khai thác nước dưới đất được ban hành; đã vận động trám lấp trên 1.500 giếng nước hư hỏng không sử dụng để bảo vệ môi trường đối với nguồn nước ngầm. Sở cũng đã xây dựng kịch bản và kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường tuyên truyền và phổ biến các biện pháp tiết kiệm năng lượng, hạn chế phát thải khí nhà kính; tiếp tục củng cố hoàn thiện các trạm quan trắc nước mặt, nước dưới đất với trang thiết bị tự động, hiện đại để nâng cao một bước năng lực dự báo, cảnh báo góp phần thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào tỉnh.

Môi trường là lĩnh vực quan trọng nhất. Hệ thống quan trắc TN&MT từng bước được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Đến nay, hệ thống quan trắc tự động đã giám sát được 40% lượng nước thải công nghiệp; 96,2% các khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị giai đoạn I của TP.TDM đã đi vào hoạt động (17.650m3/70.000m3/ngày); đã hoàn thành khắc phục triệt để 133/146 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chấm dứt hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu dân cư, đô thị theo kế hoạch 16/33 cơ sở gây ô nhiễm môi trường; 60% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập đạt khá về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; chất thải rắn được thu gom và xử lý đạt 87%; chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt trên 97%; mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường đã được kiềm chế, các điểm nóng về môi trường đã được kiểm soát, chất lượng nước các kênh rạch từng bước được cải thiện; trên 97% dân cư đô thị và 96,2% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; quy hoạch một số các khu bảo tồn đa dạng sinh học đang được triển khai thực hiện; độ che phủ của rừng và cây lâu năm đạt 56,7%.

Những dấu ấn tiếp tục phát huy

10 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Sở TN&MT Bình Dương đã để lại những dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Quá trình hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng sở cũng xác định rõ mục tiêu và giải pháp thực hiện nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển chung của tỉnh. Cụ thể là đến năm 2020, Bình Dương phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, do đó nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên sẽ tiếp tục tăng mạnh, trong khi khả năng và tiềm năng đều có hạn. Môi trường và đa dạng sinh học chẳng những tiếp tục chịu áp lực gia tăng từ phát triển kinh tế - xã hội, khai thác và sử dụng tài nguyên mà còn bị ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, thậm chí không loại trừ khả năng xảy ra thảm họa môi trường nếu có sự cố vỡ các hồ chứa nước ở thượng nguồn hoặc sự cố tràn dầu từ các kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đó, các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xác định đến năm 2015, phần lớn các chỉ tiêu đối với lĩnh vực TN&MT phải hoàn thành và hoàn thành vượt mức so với 18 chỉ tiêu mà Trung ương đã đề ra cho năm 2020, cụ thể như diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 100%; các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo yêu cầu đạt 100%; các cơ sở mới sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 100%; các cơ sở cũ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để đạt 100%; các đô thị loại 4 trở lên đều phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo yêu cầu đạt 100%; chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%; chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt 95%...

10 năm không ngắn cũng không dài để Sở TN&MT Bình Dương dốc hết sức đạt được thành quả như ngày hôm nay. Có thể nói, đây là bước đi vững chắc, góp phần cho tiến trình phát triển ở Bình Dương thật vững chắc.

VĂN PHÒNG SỞ TN&MT