10 năm sau vụ khủng bố 11-9: Thế giới đối mặt với bất ổn an ninh - chính trị
Cách đây 10 năm, vụ khủng bố 11-9-2001 tước đi sinh mạng 3.000 người tại nước Mỹ đã làm rúng động toàn thế giới. Hình ảnh Tòa tháp đôi sụp đổ, Lầu Năm góc bị tấn công được phát sóng liên tục trên các phương tiện nghe nhìn khiến người ta không khỏi bàng hoàng. Và cũng không lâu sau kể từ giờ phút đó, người ta bắt đầu cảm nhận rõ nét hơn về sự đổi thay của thế giới sau thảm họa kinh hoàng 11-9.
>>10 sự thật ít biết về vụ 11-9
>>10 năm sau sự kiện 11-9, nước Mỹ chưa bình yên
Chiến tranh bùng nổ khắp nơi
Gần 1 tháng sau thảm họa khủng bố thương tâm khiến 3.000 người chết, hơn 6.000 người bị thương, ngày 7-10-2001, Mỹ chính thức phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Thế giới đã chính thức thay đổi từ thời điểm đó. Hàng loạt quốc gia đã bị kéo theo guồng máy chiến tranh của Mỹ từ cuộc chiến chống khủng bố đầu tiên tại Afghanistan cho đến cuộc chiến tại Iraq.
Nếu như cuộc tấn công của Mỹ vào Afghanistan được thế giới ủng hộ, thì cuộc tấn công vào Iraq 2 năm sau đó, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Mỹ đã đặt cả thế giới vào sự bất ổn chưa từng có, kể từ sau kết thúc Thế chiến thứ 2. Và đến năm 2010, Mỹ chính thức mở rộng mặt trận chống khủng bố sang các nước châu Phi.
Hình ảnh vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại Tòa tháp đôi ở New York, Mỹ.
Vết nứt trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu ngày càng lớn khi có nhiều quốc gia nhận ra lý do Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố chỉ là cái cớ. Hơn nữa, trước khi chiến tranh xảy ra, Mỹ hành động đơn phương bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia. Do đó, Mỹ được xem như “đế quốc bạo lực”.
Cũng vì chiến tranh Iraq, căng thẳng giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo càng thêm sâu sắc, và đặc biệt, với học thuyết “đánh đòn phủ đầu” dưới ngọn cờ “chống khủng bố”, vô hình trung đã mặc định bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều có thể trở thành “nơi chứa chấp khủng bố” theo suy nghĩ của Chính phủ Mỹ. Hàng loạt các quốc gia bị liệt vào danh sách khủng bố của Mỹ như: Syria, Iran, Iraq, Afghanistan, Morocco, Libya, Yemen, Cuba… kéo theo những căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với “trục ma quỷ”, gồm Iran, Iraq và CHDCND Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ G.W.Bush lúc đó nhấn mạnh đến sứ mệnh “ngăn cản những chế độ đỡ đầu cho khủng bố đe dọa đến nước Mỹ, bè bạn và đồng minh bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Song, 2 cuộc chiến tranh bị sa lầy đó đã làm những năm cuối nhiệm kỳ của ông G.W.Bush và đồng minh thân thiết ở bên kia bờ Đại Tây Dương là Thủ tướng Anh Tony Blair trở nên ảm đạm. Tuy cuộc chiến khủng bố do Mỹ phát động diễn ra với quy mô lớn và tốn kém chưa từng có nhưng người dân Mỹ vẫn không cảm thấy an toàn hơn.
Trong 10 năm, ít nhất 35.000 người trên khắp thế giới bị kết tội khủng bố. Riêng ở Mỹ, có 2.934 người bị bắt và 2.568 người bị kết án, nhiều hơn 8 lần so với thập kỷ trước. Trước vụ 11-9, mỗi năm thế giới chỉ có vài trăm người bị kết án về tội khủng bố. Kể từ sau vụ 11-9, hầu như mọi quốc gia trên thế giới, từ nước Tonga nhỏ bé đến Trung Quốc khổng lồ, đều đã thông qua hoặc xem lại luật chống khủng bố của mình.
Thế giới không an toàn
O’Hanlon, Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ), nhận định, việc Mỹ phát động chiến tranh ở Trung Đông đã làm mất đi thế cân bằng chiến lược ở khu vực này. Kết quả đem lại: tâm lý chống Mỹ lên cao trong thế giới Arab. Sau khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh lật đổ chính phủ Saddam Hussein ở Iraq, Iran ngày càng có ảnh hưởng ở Trung Đông, và vai trò điều phối của Mỹ trong cuộc xung đột giữa người Palestine và người Israel giảm hẳn. Cho đến nay, vai trò hòa đàm Trung Đông của Mỹ đã được xem gần như thất bại khi Palestine tỏ rõ quyết tâm tuyên bố độc lập.
Trong bài báo Thế giới đã thay đổi một cách ngạc nhiên của nhà báo Gideon Rachman đăng trên tờ Finacial Times ngày 8-9, tác giả cho rằng cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã khiến chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan phát triển mạnh hơn. Minh chứng cho hiện tượng này là hàng loạt cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các nước châu Âu (2004-2005); Bali, Indonesia (2002); Mumbai, Ấn Độ (2008), Nga (2004, 2010). Bên cạnh đó, có những thông tin đe dọa sẽ mở các cuộc tấn công vào nhiều quốc gia trên thế giới đã tham gia vào cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan.
Cuộc chiến chống khủng bố còn cướp đi hàng vạn sinh mạng. Tính đến nay, hành động quân sự tại Iraq đã khiến 4.474 lính Mỹ thiệt mạng; chiến tranh tại Afghanistan khiến 1.750 lính Mỹ tử trận. Hiện nay, tuy Mỹ đã lập thời gian biểu rút quân khỏi Iraq và Afghanistan nhưng dường như họ vẫn còn nấn ná ở những mảnh đất này. Ngoài chết chóc còn rất nhiều binh sĩ bị thương. Ngoài quân đội Mỹ, hàng trăm binh lính của các quốc gia khác cũng thương vong do tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố, gồm 318 binh sĩ chết tại chiến trường Iraq, 945 binh sĩ chết tại chiến trường Afghanistan.
Binh sĩ Mỹ còn đối mặt với hội chứng chiến tranh và tỷ lệ binh lính Mỹ tự sát tại Iraq tăng một cách bất thường. Tuy nhiên, cái chết của binh sĩ Mỹ và đồng minh chỉ là một góc của bức tranh “thảm họa”. Bởi số binh sĩ, cảnh sát cùng người dân Iraq và Afghanistan chết trong chiến tranh nhiều đến mức không thể thống kê hết và hiện vẫn còn đang tranh cãi.
Theo cơ quan thống kê, tính đến tháng 10-2010, đã có hơn 107.000 người Iraq chết trong chiến tranh. Cơ quan thống kê Mỹ cho biết đã có 34.000 người Afghanistan thiệt mạng, theo các tổ chức khác thì con số này còn cao hơn nhiều. Hậu quả khác là nền kinh tế của hai quốc gia Iraq và Afghanistan ngày càng kiệt quệ, nạn tham nhũng tràn lan do các khoản viện trợ không thể kiểm soát.
Hiện nay, vẫn còn xuất hiện các cuộc tranh cãi xung quanh con số hơn 1 triệu người đã và đang bị liệt vào danh sách tình nghi khủng bố cần phải theo dõi. Các hố ngăn cách giữa Mỹ, châu Âu và thế giới Hồi giáo vẫn chưa thể được thu hẹp. Sau vụ 11-9, 30% người Mỹ cho rằng, động cơ thúc đẩy Al Qaeda tấn công đất nước này bắt nguồn từ chính sách hiếu chiến của Washington ở Trung Đông. Và con số hiện tại tăng lên đến 45%.
* Nước Mỹ đốt tiền
Hàng ngàn tỷ USD đổ vào các cỗ máy chiến tranh ở chiến trường Iraq và Afghanistan khiến nước Mỹ phải đối đầu với đống nợ công vượt trần khổng lồ. Trước khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003, giá dầu thế giới chưa đến 25USD/thùng nhưng đến năm 2008, giá dầu thế giới đã tăng lên gần 160USD/thùng và hiện nay hơn 110USD/thùng. Điều này không chỉ tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ mà còn kéo theo hàng loạt các bất ổn kinh tế ở các quốc gia khác, dẫn đến tình trạng lạm phát tăng cao.
Tổng hợp