10 năm sau cái chết của bà Benazir Bhutto: Vẫn chưa tìm được công lý

Thứ sáu, ngày 08/09/2017

(BDO) Phiên tòa xét xử vụ ám sát cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto đã khép lại vào ngày cuối tháng 8-2017 mà không thể gọi là mang lại công lý cho người bị hại. Chỉ có 2 người bị tuyên án tù, nhưng không phải là người bị quy trách nhiệm cao nhất: Cựu Tổng thống Pervez Musharraf.

Ông Musharraf chỉ bị tòa tuyên là “kẻ trốn chạy” vì không có mặt tại phiên xét xử cuối và cũng không tuyên án ông.

Quả thật thế, kết thúc phiên xét xử vào ngày cuối tháng 8-2017, Tòa án Chống khủng bố ở Rawalpindi không mang lại công lý thực sự cho bà Bhutto; chỉ có 2 sĩ quan cấp cao của cảnh sát quốc gia Pakistan là cựu cảnh sát trưởng tỉnh Rawalpindi Saud Aziz và cựu chỉ huy cảnh sát Khurram Shehzad bị tuyên án 17 năm tù, còn những người khác, có liên quan trực tiếp và phải chịu trách nhiệm cao nhất thì không bị tuyên án.

Đáng thất vọng cho thân nhân của bà Bhutto là việc tòa án đã tha bổng 5 nghi can thuộc tổ chức khủng bố Taliban Pakistan (TTP) vốn bị tố cáo đã tham gia lập kế hoạch ám sát bà Bhutto. Đặc biệt, tòa đã không tuyên án đối với cựu Tổng thống Musharraf.

Các con của bà Bhutto đã hết sức thất vọng với vụ xét xử những người liên quan cái chết của mẹ mình. Bà Aseefa, con gái bà Bhutto, viết trên Twitter rằng “Sau 10 năm chúng tôi chờ đợi công lý, những kẻ tiếp tay khủng bố đã bị trừng phạt, nhưng những kẻ thật sự phạm tội giết chết mẹ chúng tôi thì vẫn ung dung tự do”.


Bà Benazir Bhutto trong một chuyến vận động cử tri không lâu trước khi bị ám sát.

Bilawal, anh trai Aseefa thì gọi kết quả xét xử là “đáng thất vọng và không thể chấp nhận”. Còn đại diện tổ chức Human Rights Watch tại Pakistan thì gọi phiên xét xử bà Bhutto là một sự thất bại lớn.

Bà Bhutto sinh ra trong gia đình có truyền thống chính trị. Cha bà, ông Zulfikar Ali Bhutto, là người sáng lập đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Sau khi học xong 3 trường đại học danh giá (Harvard, Oxford, Cambridge) trở về, bà thay cha nắm quyền lãnh đạo đảng PPP vào năm 1987. Một năm sau, bà chính thức trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của một quốc gia Hồi giáo. Nhưng chính phủ của bà chỉ tồn tại 2 năm thì giải tán vì cáo buộc tham nhũng.

Năm 1993, bà Bhutto tái đắc cử Thủ tướng Pakistan nhưng cũng chỉ 3 năm sau lại phải từ chức do cáo buộc tham nhũng. Lần này nghiêm trọng hơn, và Bhutto đã phải sống lưu vong ở nước ngoài một thời gian. Gần cuối năm 2007, bà Bhutto quay trở về Pakistan để chuẩn bị tham gia cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào năm 2008.

Cuộc trở về lần này của bà Bhutto diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị và an ninh bất ổn đang ngự trị Pakistan. Thế lực của khủng bố đang mạnh, và phần lớn quyền lực chính trị đang nằm trong tay ông Musharraf. Hai thế lực cùng phối hợp để trừ khử bà nhằm ngăn ngừa một đối thủ giàu tiềm năng trong tương lai.

Một vụ đánh bom tại sân bay quốc tế Jinnah ở Karachi ngay sau khi bà Bhutto rời đi vào tháng 10-2007 là “màn chào đón” đầu tiên của thành phần cực đoan chống đối bà. Sau vụ việc này, chính quyền Pakistan hầu như không có biện pháp nào để truy tìm những kẻ chủ mưu đánh bom hoặc bảo vệ bà Bhutto.

Sau vụ đánh bom ở sân bay Jinnah, Bhutto từng lên tiếng cảnh báo về một nhóm sĩ quan tình báo và phụ tá Tổng thống Musharraf có âm mưu giết bà, vì thế Bhutto cho rằng ông Musharraf sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra cho bà.

Quả đúng như lời “tiên tri” của bà Bhutto, vào ngày 27-12-2007, trong một chuyến đi vận động cử tri tại tỉnh Rawalpindi, bà bị một kẻ cực đoan dùng súng bắn vào đầu khi bà đứng trên xe vẫy tay chào người ủng hộ. Ngay sau đó, kẻ thủ ác đã tự kích nổ quả bom cài trên người để tự sát, gây thêm cảnh hỗn loạn nhằm đánh lạc hướng.

Cái chết của bà Bhutto đã gây chấn động không chỉ tại chính trường Pakistan mà còn cả thế giới. Trước sức ép quá lớn của dư luận, chính quyền Pakistan phải mở cuộc điều tra quy mô lớn. Tuy nhiên, tiến trình điều tra đã gặp phải rất nhiều trở ngại, bị phá rối, gặp đủ thứ trục trặc và hầu như dừng hẳn trong chưa đầy 1 năm, với báo cáo kết luận rằng, cái chết của bà Bhutto là do bọn khủng bố thuộc tổ chức TTP gây ra.

Ngay sau đó, đảng PPP đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc (LHQ) điều tra lại vì không tin tưởng tính khách quan của báo cáo điều tra nêu trên. Tháng 7-2009, một ủy ban điều tra của LHQ được thành lập, do Đại sứ Chile tại LHQ Heraldo Munos dẫn đầu, các thành viên bao gồm cựu Bộ trưởng Tư pháp Indonesia Marzuki Darusman, và cựu Cảnh sát trưởng quốc gia Ailen Peter Fitzgerald.

Năm 2010, ủy ban điều tra của LHQ đã tung ra báo cáo dài 70 trang, trong đó kết luận chính quyền của ông Musharraf đã không cung cấp sự bảo vệ an ninh cần thiết cho bà trước mối đe dọa an ninh mà chính bà đã cảnh báo trước; đồng thời cho rằng vai trò của bộ máy tình báo và quân đội Pakistan trong vụ ám sát bà Bhutto cần phải được điều tra làm rõ thêm.

Báo cáo nói rằng, các cơ quan tình báo Pakistan đã cản trở tiến trình điều tra, quyết liệt ngăn cản sự thật, trong đó Tổng Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội (ISI) đã trực tiếp ra lệnh cấp dưới dùng vòi rồng phun nước tẩy xóa hiện trường vụ ám sát bà Bhutto, làm cho cuộc điều tra không thể tìm thêm chứng cứ. Báo cáo kết luận chính quyền Pakistan đã có dấu hiệu bưng bít, che đậy sự thật trong vụ ám sát bà Bhutto.

Dưới sức ép từ LHQ, cuối cùng Pakistan cũng chấp nhận tiến hành điều tra lại về cái chết của bà Bhutto. Hàng trăm cuộc thẩm vấn đã được tiến hành với hơn 100 nhân chứng. Nhưng cũng như lần trước, cuộc điều tra lại lần này cũng gặp không ít khó khăn, do nhiều chứng cứ đã bị xóa sạch, còn cảnh sát và những nhân chứng khác có liên quan đến quân đội và Cơ quan tình báo ISI thì không cung cấp đúng sự thật.

Năm 2013, công tố viên chính của cuộc điều tra đã bị bắn chết trong xe ôtô ở Islamabad. Hàng loạt tay súng TTP tham gia vụ ám sát cũng bị giết chết trong các cuộc oanh kích của Mỹ, trong đó có thủ lĩnh Baitullah Mehsud. Chính vì vậy, sau gần 10 năm điều tra, Pakistan cũng chỉ kết tội được 2 sĩ quan cảnh sát cấp cao và không đưa ra được bằng chứng buộc tội ông Musharraf.

Cũng trong năm 2013, ông Musharraf từ nước ngoài trở về nước và bị quản thúc, cấm đi khỏi nơi cư trú trong 3 năm. Đến cuối năm 2016, khi lệnh cấm kết thúc, ông tiếp tục trốn ra nước ngoài cho đến nay. 

Theo CAND