10 năm công trình “Rong thông suối Cái”: Dấu ấn sức trẻ Tân Uyên
Mỗi năm một lần, công trình thanh niên “Rong thông suối Cái” được đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia rất nhiệt tình. 10 năm thực hiện công trình này đã âm thầm ghi dấu ấn sức trẻ ở vùng đất chiến khu Đ...
ĐVTN tích cực phát quang, rong thông suối Cái
Suối Cái có chiều dài 25km, là dòng suối chính cung cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của các hộ dân khu vực ven suối. Hai bên bờ suối có nhiều tre, dứa, cây thân gỗ, cây dại mọc um tùm... gây cản trở dòng chảy. Đặc biệt vào mùa mưa, lượng nước lớn, dòng chảy không thông thoáng đã gây ngập úng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Trước thực tế đó, Đại hội Đoàn huyện Tân Uyên khóa VIII (nhiệm kỳ 2002-2007) đã chọn và thực hiện công trình thanh niên “Rong thông suối Cái” giai đoạn 2002-2007.Không ngại nguy hiểm dưới dòng suối như rắn, đỉa, gai hoặc nước ô nhiễm, sình lầy, các bạn trẻ đã tích cực phát quang bụi rậm khiến chặn dòng chảy, góp phần vào công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ môi trường nước. Đây cũng là hành động cụ thể nhằm tuyên truyền và bảo vệ môi trường sống vì cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của xã hội. Anh Trần Văn Phương, Bí thư Huyện đoàn Tân Uyên cho biết: “Công trình được thực hiện hàng năm. Số người tham gia ngày càng nhiều nhất là lực lượng ĐVTN, trong đó có sự nhiệt tình của người dân và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương. Cùng với hiệu quả thiết thực, công việc này thực sự đã trở thành ngày hội của ĐVTN toàn huyện”.
Ông Nguyễn Văn Ba ở ấp Khánh Tân, xã Khánh Bình, nói: “Năm nào cũng có nhiều bạn trẻ cùng bà con nông dân tham gia làm thông thoáng con suối để tránh tình trạng ngập úng, ảnh hưởng không tốt đến trồng trọt của người dân. Ruộng của tôi nằm gần con suối, giờ thì không sợ việc đó nữa, nếu có thì vài bữa nước rút cũng không hại gì đến cây trồng”. Anh Nguyễn Công Thành, người chăn nuôi ở gần suối (khu vực cầu Khánh Vân, Khánh Bình), còn cho biết: việc rong thông công trình suối Cái rất có lợi. Công trình đã bảo đảm việc tưới tiêu và không gây ngập úng kéo dài. Tuy nhiên, anh còn lo ngại vì thỉnh thoảng con suối bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phương còn cho biết: “Ban Thường vụ Huyện đoàn đã khảo sát tuyến suối, đánh giá hiệu quả nên đã tiếp tục triển khai thực hiện công trình trong giai đoạn 2007-2012. Do lòng suối cạn, bị bồi đắp bởi cát bồi, mỗi khi mưa lớn từ thượng nguồn dẫn đến ngập úng cục bộ ở những khu vực đất thấp. Vì vậy rất cần có các phương tiện, dụng cụ cơ giới nạo vét lòng suối, tạo sự thông thoáng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường nước đối với các công ty, xí nghiệp, nhân dân và phân chia khu vực thực hiện. Từ đó sẽ tiếp tục phát huy tính chủ động, hiệu quả của công trình”.
KIM VÂN