10 luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2016
1. Luật Hộ tịch 2014 - Gồm 7 chương, 77 điều, điểm mới nổi bật cơ bản của luật là đã quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn các nội dung đăng ký hộ tịch, phân định rõ sự kiện nào là xác nhận vào sổ hộ tịch, sự kiện nào là ghi vào sổ hộ tịch và kể từ ngày 1-1-2016 thẩm quyền đăng ký các sự kiện hộ tịch được thực hiện ở 2 cấp (cấp huyện và cấp xã).
(BDO)
2. Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 - Gồm 9 chương, 125 điều, có nhiều điểm mới, tích cực so với trước đây như: Lao động nam đang đóng BHXH được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con; bổ sung các đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc, gồm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến dưới 3 tháng và người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề; mở rộng diện đối tượng được tham gia BHXH tự nguyện đối với công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên.
Bắt đầu từ ngày 1-1-2016 lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con (ảnh minh họa)
3. Luật Căn cước công dân 2014 - Gồm 6 chương, 39 điều, theo quy định của luật: Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam và thẻ căn cước được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
4. Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 - Gồm 9 chương, 62 điều, luật có một số điểm mới như quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; trường hợp công dân là sinh viên được đào tạo trình độ cao đẳng hoặc đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi (theo quy định cũ, độ tuổi gọi nhập ngũ là từ 18 đến 25 tuổi). Đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình, nếu tự nguyện đăng ký và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.
5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2014 - Từ ngày 1-1-2016 sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đơn cử như: Thuốc lá điếu, xì gà, bia, rượu và các dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng.
6. Luật Tổ chức Chính phủ 2015 - Gồm 7 chương, 50 điều, ngoài việc phân định rõ mối quan hệ giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với bộ, cơ quan ngang bộ, luật cũng bổ sung thêm trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ đối với hệ thống hành chính Nhà nước.
7. Luật Tổ chính quyền địa phương 2015 - Gồm 8 chương, 143 điều, điểm nổi bật đáng chú ý là về nội dung trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân. Theo đó, hàng năm, UBND cấp xã phải tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với nhân dân ở địa phương về tình hình hoạt động của UBND và những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương.
8. Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 - Gồm 9 chương, 733 điều, điểm mới của luật là các báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành sẽ được công bố công khai trong họp báo, trên công báo và phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của Kiểm toán Nhà nước hoặc được niêm yết tại trụ sở của đơn vị được kiểm toán. Bên cạnh đó, luật cũng quy định về tiêu chuẩn chung của kiểm toán viên Nhà nước.
9. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 - Gồm 8 chương, 41 điều quy định rõ về quyền cũng như trách nhiệm, tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước) được quy định rất cụ thể tại luật này.
10. Luật Tổ chức Quốc hội 2014 - Gồm 5 chương, 102 điều, bổ sung quy định về những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân và nguyên tắc tổ chức trưng cầu ý dân. Luật cũng bổ sung nhiệm vụ của đoàn đại biểu trong việc tổ chức giám sát, tham gia hỗ trợ hoạt động giám sát tại địa phương, yêu cầu cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp thông tin báo cáo về những vấn đề đại biểu quan tâm, quy định rõ hơn về điều kiện hoạt động của đại biểu.