10/10 xã, thị trấn “vùng xanh”, huyện Bắc Tân Uyên công bố xanh hóa địa bàn
(BDO) * Khôi phục hoạt động một số lĩnh vực thiết yếu
Sáng 6-9, huyện Bắc Tân Uyên đã tổ chức Hội nghị công bố “vùng xanh” trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên. Đến dự có ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; Tiến sĩ Dương Chí Nam, Cục phó Cục Quản lý Môi trường Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ công tác Bộ Y tế tại Bình Dương và lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.
Ông Nguyễn Lộc Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị công bố vùng xanh trên toàn huyện Bắc Tân Uyên
Ngay sau khi công bố “vùng xanh”, huyện tiếp tục tăng cường các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong trạng thái “bình thường mới”. Cụ thể, trên lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản để áp dụng các chính sách hỗ trợ nông dân kịp thời. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với Sở Công thương xây dựng các phương án tiêu thụ nông sản trong điều kiện “bình thường mới” để kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Huyện cho phép hoạt động trở lại đối với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp để tạo điều kiện cho nông dân canh tác nhưng phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch. Cho phép các địa phương là “vùng xanh” mở cửa hoạt động trở lại đối với chợ truyền thống và các hộ kinh doanh; tuy nhiên, trước mắt chỉ cho phép kinh doanh những mặt hàng thiết yếu; đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và giãn cách xã hội; duy trì các hình thức: “bán hàng lưu động”, “đi chợ thay” và “bán hàng mang về” để hạn chế tối đa việc tập trung đông người vi phạm các quy định về phòng chống dịch.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Tại thời điểm ban hành kế hoạch, bản đồ vùng dịch của huyện có 2 xã là “vùng xanh”, 5 xã, thị trấn là “vùng vàng” và 3 xã, thị trấn là “vùng đỏ”. Có 25 khu phố, ấp là vùng xanh; 15 khu phố, ấp là vùng vàng và 14 khu phố, ấp là vùng đỏ. Với những nỗ lực thực hiện kế hoạch xây dựng "vùng xanh", đến nay đã có 53 khu phố, ấp là vùng xanh, tăng 28 khu, ấp so với thời điểm ban hành kế hoạch. Huyện chỉ duy nhất còn 1 khu phố, ấp “vùng vàng”, giảm được 14 khu, ấp. Không còn khu phố, ấp “vùng đỏ”, giảm được 14 khu, ấp. Đến nay, huyện đã “xanh hóa” đạt 10/10 xã, thị trấn là “vùng xanh”, 53/54 khu phố, ấp là “vùng xanh” trên các địa bàn xã, thị trấn, huyện còn 1 ấp “vùng vàng” thuộc ấp Tân Lợi, xã Đất Cuốc. |
Trong giai đoạn tiếp theo, tùy diễn biến tình hình thực tế huyện sẽ xem xét mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trở lại để giảm bớt khó khăn cho các hộ kinh doanh và góp phần phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”. Tiếp tục triển khai thực hiện phương án tổ chức lại sản xuất của các doanh nghiệp trong tình hình mới theo các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của tỉnh; đảm bảo vừa sản xuất an toàn, vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch; bảo đảm thực hiện nghiêm túc phương án “3 tại chỗ” hoặc mô hình “3 xanh” đúng theo hướng dẫn. Tiếp tục tổ chức cho doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” đủ các điều kiện theo quy định tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại hội nghị, tiến sĩ Dương Chí Nam lưu ý khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, huyện Bắc Tân Uyên cần tiếp tục kiểm soát làm tốt công tác giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15+, kiểm soát các dịch vụ thiết yếu, nhất là phục vụ ăn uống chỉ cho phép mua mang về, không phục vụ tại chỗ, tiếp tục duy trì việc kiểm soát các khu nhà trọ để hạn chế việc lây nhiễm, bùng phát ổ dịch mới. 100% bệnh nhân vào cơ sở y tế cần phải được xét nghiệm; các trạm y tế xã, phường phải có test nhanh để tầm soát, sàng lọc F0; xét nghiệm định kỳ PCR cho cán bộ y tế và bệnh nhân; giám sát các F0 điều trị trở về. Đối với doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ” xác định nhóm nguy cơ giao hàng vào doanh nghiệp; giám sát nhà trọ xanh, doanh nghiệp “3 xanh”.
Cùng với đó, huyện tiếp tục duy trì công tác kiểm soát, giám sát chặt chẽ các trường hợp F0 tại cộng đồng; tổ chức trạm y tế lưu động để thành cánh tay nối dài của trạm y tế địa phương kịp thời phát hiện kiểm soát các trường hợp nhiễm bệnh để khống chế các ổ dịch mới, đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân.
Huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15+ sau khi công bố xanh hóa địa bàn để giữ vững thành quả phòng chống dịch
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc Hà ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, quyết tâm của huyện Bắc Tân Uyên trong việc triển khai quyết liệt kế hoạch xây dựng “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 để đưa huyện trở lại trạng thái “bình thường mới”. Trong đó, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp siết chặt quản lý, khoanh vùng, truy vết, dập dịch có hiệu quả để xử lý các “điểm đỏ”, “vùng đỏ”…
Sau khi công bố “vùng xanh”, đưa địa phương trở lại trạng thái “bình thường mới”, huyện cần tập trung các giải pháp để từng buớc khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; không được chủ quan, lơ là, tiếp tục triển khai biện pháp để bảo vệ và giữ vững “vùng xanh”; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15+ tùy theo tình hình thực tế của địa phương để vận dụng linh hoạt vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa bảo đảm tốt phòng, chống dịch, tiếp tục thực hiện việc xanh hóa “điểm vàng” còn lại.
Đối với công tác tiêm vắc xin, huyện cần rà soát đầy đủ các đối tượng để tiêm đủ 100% cho người dân mũi 1; kế đến sẽ hoàn thành mũi 2 cho người dân, chỉ có vắc xin mới đảm bảo cho công tác giữ vững thành quả phòng, chống dịch. Huyện cần linh hoạt trong việc giãn cách, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh cần chú ý đến các biện pháp phòng, chống dịch; đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn…
Đối với công tác tiêm vắc xin, tiến sĩ Nam lưu ý việc tổ chức tiêm phải đảm bảo an toàn, đảm bảo biện pháp “5 K” phòng, chống dịch. Về vắc xin phân bổ, ông cho biết Bộ Y tế sẽ ưu tiên cung cấp đầy đủ vắc xin để tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh để tăng miễn dịch cộng đồng. Dù là địa bàn “vùng xanh” nhưng ngành y tế địa phương cần chuẩn bị dự phòng về vật tư y tế, nhất là thuốc đặc trị Covid-19 như: thuốc kháng đông, kháng viêm để sẵn sàng phục vụ tốt cho công tác điều trị cho bệnh nhân. |
Minh Duy- Dũng Tuấn