“Lấy dân làm gốc”: Khởi nguồn của mọi thắng lợi
(BDO) Bài 1: Lòng dân là “vận nước”
“Lấy dân làm gốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng, đạo đức của Bác. Tư tưởng này đã được Đảng ta vận dụng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả từ cơ sở. Điều này đã được minh chứng qua hơn 93 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước với rất nhiều thành tựu nổi bật.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng “Lấy dân làm gốc” lên một tầm cao mới. Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Với Người, nhân dân vừa là chủ, vừa là đối tượng lãnh đạo và phục vụ của cán bộ, đảng viên. Người cho rằng “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”; “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”. Sự nghiệp cách mạng do nhân dân mà được khởi xướng, do nhân dân thực hiện mà diễn ra, do nhân dân ra sức mà thắng lợi.
Sức mạnh từ ý Đảng, lòng dân là chìa khóa để Bình Dương thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong ảnh: Diện mạo công nghiệp đô thị hiện đại tại TP.Thuận An. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Ông Mai Thanh Chí, cán bộ lão thành cách mạng ở phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một), cho rằng: Bác khẳng định việc cách mạng là của nhân dân, do nhân dân thực hiện. Điều này được minh chứng rất rõ ràng. Trong đấu tranh giành chính quyền, Bác chủ trương phát động khởi nghĩa toàn dân; kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân; trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Bác kêu gọi sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân… Đến khi thắng lợi, mỗi đánh giá tổng kết, Bác đều quy về một căn nguyên, đó là thắng lợi của nhân dân. Điểm này cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá sự tham gia cách mạng của nhân dân là cội nguồn quyết định cách mạng thắng lợi.
Quan điểm “dân là gốc” của Đảng ta chính là sự tiếp nối bài học từ truyền thống dân tộc và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân. Mặt khác, những nội dung của quan điểm đó không ngừng được hoàn thiện, ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam… |
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đặc biệt chú trọng mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Người cũng từng cảnh báo những nguy cơ đối với đảng cầm quyền, trong đó có nguy cơ quan liêu, xa rời dân chúng. Người coi sự trong sạch, vững mạnh của Đảng là một trong những nhân tố bảo đảm sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Đảng muốn vững mạnh phải coi trọng và làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xây dựng Đảng không chỉ là công tác của tổ chức Đảng các cấp, của đội ngũ đảng viên mà cũng là công việc của nhân dân. Nhân dân giúp xây dựng Đảng bằng nhiều cách như: “Hiểu rõ Đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ra sức cho Đảng rõ tình hình trong nhân dân, đối với công tác của Đảng thì thật thà phê bình và nêu ý kiến của mình”. Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Muốn dân giúp sức thì đảng viên phải hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối…
Vận dụng tư tưởng của Bác trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II, phân tích: Trong suốt quá trình xây dựng, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt quan điểm quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân; dân là gốc của nước, là cơ sở của mọi thắng lợi, là lực lượng tạo ra mọi của cải vật chất, tinh thần.
Quan điểm “dân là gốc” của Đảng ta chính là sự tiếp nối bài học từ truyền thống dân tộc và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân. Mặt khác, những nội dung của quan điểm đó không ngừng được hoàn thiện, ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam. Trong nhiều văn kiện, Đảng nhất quán khẳng định vai trò của nhân dân đối với sự thành bại của công cuộc đổi mới; đồng thời xác định mục tiêu đổi mới là vì nhân dân, chỉ rõ bài học nổi bật: “Dân là gốc”, tất cả “vì dân, do dân”, “đổi mới vì hạnh phúc của nhân dân và dựa vào nhân dân để đổi mới” .
Đại hội lần thứ VI (12-1986) - Đại hội đổi mới, đã tổng kết bốn bài học kinh nghiệm, bài học đầu tiên là: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”, cơ sở để khơi nguồn động lực từ nhân dân. Và, sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm “sự nghiệp đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân”, xa rời, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đổi mới sẽ thất bại. Những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân nảy sinh từ thực tiễn là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Nhân dân là người làm nên những thành tựu của đổi mới. Đổi mới phải dựa vào nhân dân, do lòng dân quyết định. Nguồn lực của nhân dân có nhiều, bao gồm tài dân, sức dân, của dân, quyền dân; song nguồn lực lớn nhất, quan trọng nhất, quyết định nhất là lòng dân, có lòng dân thì có sức dân.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tinh thần Đại hội XIII của Đảng là “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân” trong chiến lược phát triển đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại... Đây là bước hoàn thiện lý luận đổi mới của Đảng ta về nhân dân là mục tiêu, động lực, nguồn lực, là chủ thể và trung tâm của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như chiến lược phát triển đất nước.
(còn tiếp)
THU THẢO